Cần chính sách hoàn toàn khác biệt để tăng trưởng 2 con số

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2025 sẽ đến từ các địa phương.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Thưa ông, phấn đấu tăng trưởng kinh tế 2 con số đang là từ khóa được thảo luận trong các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng năm nay, khi Thủ tướng Chính phủ ký Công điện về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025. Ông nghĩ thế nào về mục tiêu này?

Chưa bao giờ, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 2 con số. Nếu tính từ năm 1990 trở lại đây, thì năm 1995 đạt được mức tăng trưởng cao nhất là 9,5%, năm 1996 đạt 9,3%.

Việc đạt tốc độ tăng trưởng cao ngày càng khó. Sau giai đoạn dịch bệnh, không khí trầm lắng hơn. Doanh nghiệp vẫn đang khó khăn, người dân vẫn chưa thoải mái tiêu dùng trở lại. Đây là điểm trừ nếu nói về tăng trưởng.

Nhưng đây cũng là lúc doanh nghiệp rất muốn làm ăn, muốn đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn khó khăn. Nếu giải tỏa được tâm lý này, khơi dậy được mong muốn làm việc, thì chúng ta hoàn toàn kỳ vọng về một tốc độ bứt phá. Nhưng nếu chỉ theo hiệu ứng lò xo, cộng với quyết tâm, thì có thể đạt trên 7-8%, chứ khó có thể đạt ngay được mức 2 con số.

Để đạt tốc độ 2 con số, cùng với việc xốc lại tinh thần kinh doanh, tinh thần công việc, thì cần các chính sách hoàn toàn khác biệt so với hiện tại, với quan điểm là cần làm, quyết tâm làm để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Theo ông, đâu là động lực tăng trưởng trong năm nay?

Xét về phía cung, động lực tăng trưởng rõ nhất là sản xuất công nghiệp, với những ngành định hướng xuất khẩu. Dịch vụ thì chưa rõ nét và nông nghiệp là bệ đỡ cho cuộc sống ổn định, chứ chưa thể là động lực tăng trưởng.

Thị trường bên ngoài đang được dự báo không xấu hơn năm 2024, nhưng cũng không tốt bằng. Kim ngạch xuất khẩu 400 tỷ USD của năm 2024, tăng 14,4% so với năm 2023 là mức tăng rất cao, không dễ có mức cao hơn trong năm nay, nhất là khi việc tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ phải được cân nhắc thận trọng. Đó là những hạn chế về mặt bên ngoài.

Trong bối cảnh này, nếu muốn tăng trưởng 7-8%, thì các động lực bên trong sẽ phải tăng mạnh. Đó là đầu tư công phải tăng mạnh, đúng như Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ là phân giao vốn từ đầu năm và các thủ tục phải đẩy nhanh để tăng tốc giải ngân.

Việc cải thiện các thủ tục cũng phải để các dự án chuyển tiếp, các dự án khởi công mới được đảm bảo thuận lợi, nhất là trong bối cảnh các cơ quan đang thực hiện sắp xếp bộ máy.

Đặc biệt, đầu tư của khu vực tư nhân phải nhanh chóng trở lại, phải đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số như nhiều năm trước…

Bài toán lúc này là cải thiện môi trường đầu tư, xốc lại tâm lý, niềm tin kinh doanh. Có lẽ, tháo gỡ thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn chính là cơ sở để tạo động lực tăng trưởng.

Theo tôi, động lực kinh tế năm 2025 phải từ kinh tế địa phương. Hiện 63 tỉnh, thành phố đã có 63 quy hoạch, với các mục tiêu tăng trưởng đều trên hai con số. Nếu các địa phương ngay năm nay đạt được mức tăng trưởng này, thì nền kinh tế sẽ hưởng lợi ngay.

Có thể nói, chìa khóa của tăng trưởng năm 2025 đang ở các địa phương?

Nếu như chúng ta khơi dậy được sự cạnh tranh tăng trưởng của các địa phương. Nhìn lại, những năm có tốc độ tăng trưởng cao gần đây, như giai đoạn 2000-2007, việc cạnh tranh thu hút đầu tư của các địa phương rất rõ nét, thậm chí nhiều thời điểm phải “thổi còi” do vượt khung.

Bối cảnh hiện tại đã khác. Các tỉnh đã có quy hoạch, có giải pháp, có mục tiêu tăng trưởng. Thể chế, chính sách đã được hoàn thiện. Bây giờ chỉ thiếu động lực để thực hiện.

Như vậy, chỉ cần có các giải pháp thúc đẩy sáng kiến, cách làm để thực hiện mục tiêu đã xác định, thì từng địa phương sẽ là một cực tăng trưởng.

Thúc đẩy sự cạnh tranh này bằng cách nào, thưa ông?

Hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh vừa được sửa đổi, hoàn thiện đã cắt giảm quy trình, thủ tục. Theo kế hoạch, việc rà soát hệ thống văn bản pháp luật sẽ được tiếp tục thực hiện, với mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, cũng có nghĩa là thuận lợi cho các cấp thực thi ở địa phương.

Nhưng tôi kỳ vọng về những thông điệp mạnh mẽ hơn, như việc đánh giá lãnh đạo địa phương thông qua các chỉ tiêu kinh tế được giao, với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; với nguyên tắc đánh giá kết quả, không đánh giá quy trình. Các công chức sẽ dám nghĩ, dám làm, tìm cách để tăng hiệu quả công việc.

Với cách làm này, tôi tin, năm 2025 là năm các địa phương bứt phá. Song, về dài hạn, khu vực tư nhân trong nước chính là động lực lớn nhất của tăng trưởng, cần tiếp tục được hỗ trợ.

Thông lệ, ngay sau Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương dự kiến tổ chức vào ngày 8/1/2025, Nghị quyết 02 năm 2025 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ được ban hành. Ông chờ đợi gì ở nghị quyết năm nay?

Tôi chờ đợi có danh mục tổng hợp các điểm nghẽn, vướng mắc mà doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị, để từ đó Thủ tướng Chính phủ có các cuộc làm việc ngay với các bộ, ngành, chỉ đạo giải quyết dứt điểm và gửi thông tin cho các doanh nghiệp.

Tôi rất mong Chính phủ sẽ tăng tốc, xử lý các dự án bất động sản bị ách tắc do vướng mắc pháp lý ngay trong năm nay. Vốn đang đọng ở đó, chỉ cần khơi thông, dòng vốn sẽ chảy mạnh, cùng với đó sẽ thay đổi trạng thái tâm lý cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thậm chí, có thể làm điển hình một vài dự án, với sáng kiến, cách làm mới, không khí làm việc trong bộ máy nhà nước sẽ hứng khởi trở lại.

Lúc này, rất cần các chính sách đặc biệt, khác biệt để thúc đẩy niềm tin công việc, niềm tin kinh doanh.

Khánh An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/can-chinh-sach-hoan-toan-khac-biet-de-tang-truong-2-con-so-d238944.html
Zalo