Thủ tướng: Phải truyền cảm hứng về phát triển kinh tế tư nhân

Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp.

Chiều 2-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân đã chủ trì phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Cần giải pháp tạo xung lực mới cho kinh tế tư nhân

Theo các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, kinh tế tư nhân được chính thức thừa nhận trong Văn kiện Đại hội VI năm 1986 của Đảng; nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân dần được thay đổi cùng với quá trình hình thành, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Qua 40 năm đổi mới, đến nay, kinh tế tư nhân đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân đã chủ trì phiên họp lần thứ hai. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân đã chủ trì phiên họp lần thứ hai. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị còn hạn chế; năng lực thấp; năng suất lao động và sức cạnh tranh chưa cao; thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và với doanh nghiệp có vốn FDI.

Bên cạnh đó, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập. Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực.

Do đó, để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi phải có giải pháp đột phá để khơi dậy niềm tin, tạo xung lực mới cho kinh tế tư nhân.

Dự thảo Đề án đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung và 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp riêng.

Hoàn thiện Đề án với đột phá mạnh mẽ hơn

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ, đây là Đề án có nội dung khó, phạm vi rộng, đối tượng nghiên cứu nhiều, ý nghĩa hết sức quan trọng.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục quán triệt, kế thừa các tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, giải pháp trong các nghị quyết của Đảng, các bài viết, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Thủ tướng giao các cơ quan tiếp tục hoàn thiện Đề án để trình cấp có thẩm quyền. Về tư tưởng chỉ đạo trong xây dựng đề án, Thủ tướng cho rằng phải có đột phá mạnh mẽ hơn nữa, với tư duy vượt qua giới hạn, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn chính xác những đòn bẩy, tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý cách diễn đạt cần giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm nhưng hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh cần giải phóng toàn bộ sức sản xuất của nền kinh tế thông qua phát triển kinh tế tư nhân; khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, lấy nội lực là cơ bản, kết hợp với nguồn lực bên ngoài.

Về quan điểm, Thủ tướng nêu rõ, phải thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, khẳng định đây là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng. Bảo đảm quyền tài sản, quyền sở hữu; quyền tự do kinh doanh rộng nhất; quyền tiếp cận bình đẳng với tài nguyên; chuyển trạng thái từ thụ động giải quyết thủ tục hành chính sang trạng thái chủ động.

Về mục tiêu, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, đặt mục tiêu cao hơn về đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP, tăng năng suất lao động…

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng cho rằng trước hết là nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội và người dân về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân.

Song song với đó, xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thông thoáng, không gây phiền hà, ách tắc cho người dân và doanh nghiệp, giảm thời gian, chi phí tuân thủ. Đặc biệt là bảo đảm việc thành lập doanh nghiệp đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng và thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.

Giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng dự án luật về kinh tế tư nhân.

Về huy động nguồn lực, Thủ tướng cho rằng phải đa dạng hóa nguồn lực, thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận các công việc, cơ hội kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh hợp tác công tư theo các mô hình.

Để giải phóng nguồn lực trong dân, phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền sở hữu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

 Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng dự án luật về kinh tế tư nhân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng dự án luật về kinh tế tư nhân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó, thúc đẩy kinh doanh bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm nền tảng.

Phải tin tưởng vào kinh tế tư nhân, đặt niềm tin, hy vọng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho kinh tế tư nhân, khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế.

Thủ tướng cho rằng cần thúc đẩy quản trị thông minh; phát triển hạ tầng để giảm chi phí đầu vào, chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp. Cùng với đó là huy động, giao nhiệm vụ tham gia các công trình trọng điểm quốc gia cho các doanh nghiệp.

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng lưu ý, cùng với việc xây dựng dự thảo Đề án, Nghị quyết để trình Bộ Chính trị, cần xây dựng chương trình hành động của Chính phủ để ban hành, tổ chức thực hiện ngay sau khi Đề án, Nghị quyết được Bộ Chính trị thông qua.

Đồng thời khẩn trương xây dựng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng dự án luật về kinh tế tư nhân.

CHÂN LUẬN - MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-phai-truyen-cam-hung-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-post842255.html
Zalo