Thủ tướng: Phải coi doanh nhân là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế
Thủ tướng nhấn mạnh việc xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân (KTTN); coi doanh nhân là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.
Đưa KTTN thành động lực quan trọng của nền kinh tế
Sáng 18/5, quán triệt chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển KTTN và Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết" tại Hội nghị toàn quốc quán triệt 2 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tập trung 5 nhóm nội dung chủ yếu.
Đó là, khái quát thực trạng khu vực KTTN; các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị; các nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 138 ngày 16/5/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ; các nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 198 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; tổ chức thực hiện.

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu dự hội nghị.
Theo Thủ tướng, hội nghị thể hiện sự chuẩn bị rất chu đáo, kịp thời nhưng cũng rất là chất lượng, thể hiện tinh thần làm việc rất khẩn trương của Bộ Chính trị, các cơ quan có liên quan. Đặc biệt hơn nữa là sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, các cơ quan làm việc hết sức nghiêm túc.
Về thực trạng của KTTN, Thủ tướng khẳng định, trong gần 40 năm qua, từ khi Đổi mới đến nay, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với KTTN đã được thể hiện rõ tại các Văn kiện Đại hội Đảng; các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KTTN.
"Chính phủ đã ban hành các chương trình hành động cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để từng bước đưa khu vực KTTN trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế", Thủ tướng nói. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch liên quan đến phát triển KTTN trên các lĩnh vực (tiêu biểu như Đề án phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững; Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ...).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề tại hội nghị.
Thủ tướng cho rằng, quá trình phát triển của khu vực KTTN trong gần 40 năm qua có thể được khái quát thành 5 giai đoạn: (1) Giai đoạn 1986 - 1999: Hình thành và được thừa nhận; (2) Giai đoạn 2000 - 2005: Khởi sắc với Luật Doanh nghiệp; (3) Giai đoạn 2006 - 2015: Hội nhập và mở rộng; (4) Giai đoạn 2016 - 2024: Khởi nghiệp bùng nổ và là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; (5) Giai đoạn từ năm 2025 trở đi: Định hướng phát triển KTTN trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế tự chủ, bền vững.
Trong đó, KTTN liên tục phát triển, khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế; là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
KTTN đóng góp lớn nhất, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP
Đề cập một số kết quả nổi bật của KTTN, Thủ tướng chỉ rõ: Số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, từ khoảng 5 nghìn doanh nghiệp năm 1990 lên 50 nghìn doanh nghiệp năm 2000, và 200 nghìn năm 2005 (gấp 40 lần sau 15 năm); đến nay, có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế.
KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTN đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng.
Khu vực KTTN đóng góp rất quan trọng tạo việc làm, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt ở vùng nông thôn, địa bàn khó khăn. Giai đoạn 2017-2024, khu vực KTTN sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế .
Tỷ trọng vốn đầu tư của KTTN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 44% năm 2010 lên 56% năm 2024; đóng góp hơn 30% tổng thu NSNN, khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu...
Bên cạnh đó, Thủ tướng đánh giá, mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng, khu vực KTTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và chưa đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia. Trong khi yêu cầu khách quan về tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; về chủ quan, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH đã đề ra, nhất là hai mục tiêu chiến lược 100 năm, đòi hỏi chúng ta phải phát huy vai trò, tạo sự đột phá phát triển KTTN để thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Chuẩn bị phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu
Thủ tướng khẳng định, Nghị quyết 68 đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân. Nổi bật là, KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Thực tiễn đổi mới ở nước ta và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đây là lực lượng tiên phong thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế.
Phát triển KTTN nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Đây là yêu cầu tất yếu khách quan, trong đó KTTN là phương thức quan trọng nhất để giải phóng sức sản xuất, kích hoạt, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là trong nhân dân.
"Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN; coi doanh nhân là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Nói thương trường là chiến trường thì doanh nhân phải là chiến sĩ. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự bảo đảm KTTN bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực. Để đảm bảo doanh nhân, doanh nghiệp được tôn trọng, tôn vinh, được đảm bảo danh dự cho mình nếu như làm đúng, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước", Thủ tướng chỉ rõ.
Cùng với đó, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và phát huy vai trò của KTTN tham gia các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia, vươn tầm khu vực, thế giới.
"Chúng tôi đã chỉ đạo Bộ Nội vụ cách đây 1-2 ngày, chuẩn bị phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Có như thế thì như Tổng Bí thư Tô Lâm nói, mọi người, mọi nhà, mọi gia đình, tất cả các thành phần kinh tế phải tham gia vào thì mới làm được", Thủ tướng thông tin.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. "Chúng ta làm sao thổi hồn vào các chiến sĩ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho họ chiến đấu quên mình, hy sinh vì Tổ quốc, thì mới thành công được", Thủ tướng bổ sung.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển KTTN hiện nay. Đó là: Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động; cải cách, nâng cao chất lượng thể chế; tăng cường tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường kết nối doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân...
Về mục tiêu đến năm 2030: Có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu châu Á.
Tầm nhìn đến năm 2045: KTTN Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.