Thủ tướng nêu 3 mục tiêu, 7 đột phá phát triển ngành logistics
Để tháo gỡ điểm nghẽn ngành logistics, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 3 mục tiêu và 7 giải pháp thực hiện cụ thể, qua đó góp phần đưa đất nước tăng trưởng, hướng đến kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng.
Bộ Công thương phối hợp cùng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức sáng nay Diễn đàn logistics Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do - giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo diễn đàn. Cùng tham dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, TP và hơn 200 đại biểu từ các tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Là quốc gia nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng hóa tập trung giao lưu mạnh và nền kinh tế có độ mở lớn, cùng 17 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, thực thi với gần 70 quốc gia, vùng lãnh thổ…, Việt Nam được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển dịch vụ logistics.
“Ngành dịch vụ logistics nước ta có bước phát triển nhanh, tăng bình quân 14-16%/năm, từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế trong khu vực và thế giới” - Bộ trưởng Diên nhìn nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Chi phí logistics cao, năng lực cạnh tranh thấp, nguồn nhân lực thiếu hụt… là những điểm nghẽn lớn, đang kìm hãm sự phát triển.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình phát triển logistics Việt Nam, tiềm năng, thế mạnh; cơ chế, chính sách, định hướng phát triển logistics.
Nhiều đại biểu có tham luận đề xuất định hướng phát triển logistics Việt Nam vươn mình vào kỷ nguyên mới; đề xuất thúc đẩy hình thành các khu thương mại tự do, các cảng trung chuyển quốc tế, xây dựng đội tàu container, đội tàu bay chuyên dụng vận tải hàng hóa, đẩy mạnh hợp tác quốc tế...
3 mục tiêu, 7 đột phá phát triển ngành logistics
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong thời gian qua, hạ tầng giao thông có nhiều đầu tư, nâng cấp, đột phá góp phần giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy phát triển ngành logistics.
Tuy nhiên, cần nhận thức đầy đủ hơn về ngành logistics như chi phí còn cao; quy mô so với nền kinh tế, so với thế giới còn thấp, công tác quản lý còn hạn chế...
“Công thức quan trọng là chúng ta cần sáng tạo để bay cao, đổi mới để vươn xa, hội nhập liên kết để phát triển. Tất cả đều có mối quan hệ quan trọng để phát triển thị trường logistics, đó là xu thế của thế giới, một đất nước phát triển phải có logistics”, Thủ tướng nhìn nhận.
Để tháo gỡ điểm nghẽn ngành logistics, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 3 mục tiêu và 7 giải pháp cụ thể, đó là mục tiêu giảm chi phí logistics từ 18% xuống 15%; nâng quy mô của logistics trong GDP của cả nước từ 10% lên 15%, phấn đấu 20%. Nâng quy mô ngành dịch vụ logicstics trong tổng quy mô của thế giới từ 0,4% thành 0,5%, phấn đấu 0,6%; tốc độ tăng trưởng từ 14% đến 15%, tăng lên 20%.
Để đạt được 3 nhiệm vụ trên, góp phần đưa đất nước tăng trưởng 2 con số, hướng đến kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao nhận thức, vai trò của logistics trong phát triển kinh tế đất nước, xác định vai trò, vị trí của Việt Nam là trung tâm của khu vực Thái Bình Dương để khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội.
Cùng với đó, thể chế phải thông thoáng để giảm chi phí, giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Xây dựng hạ tầng logistics thông suốt, giảm chi phí đầu vào, tăng cạnh tranh. Phát triển hàng không, đường sắt tốc độ cao.
Ngoài ra, phải xây dựng quản trị thông minh, đào tạo nhân lực tốc độ cao; đẩy mạnh ngoại giao logistics và hiện đại hóa nội địa; xây dựng phát triển quốc gia thương mại tự do; kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông, kết nối các khu thương mại tự do của thế giới, kết nối với hệ thống giao thông quốc tế.
Thủ tướng cũng lưu ý, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều thuận lợi về cảng biển, do đó cần chủ động kết nối để đi đầu trong phát triển ngành logistics trong thời gian tới.