3 sai lầm phổ biến khi đề xuất tăng lương

Theo chuyên gia, nhân sự nên trau dồi kỹ năng đàm phán để nâng cao khả năng được thăng tiến hoặc tăng lương.

 Theo chuyên gia, nhân sự nên trao đổi với cấp trên về mong muốn thăng tiến trước khi diễn ra đợt đánh giá hàng năm. Ảnh minh họa: MART PRODUCTION/Pexels.

Theo chuyên gia, nhân sự nên trao đổi với cấp trên về mong muốn thăng tiến trước khi diễn ra đợt đánh giá hàng năm. Ảnh minh họa: MART PRODUCTION/Pexels.

Horacio Falcao, Giáo sư tại Trường Kinh doanh INSEAD và chuyên gia đàm phán, cho biết nhiều người thường phạm sai lầm khi đề xuất tăng lương hoặc thăng chức.

Thay vì tiếp cận cuộc trao đổi với nhận định bản thân là lựa chọn phù hợp nhất và nỗ lực thuyết phục cấp trên, ông Falcao chia sẻ với CNBC Make It rằng việc cố gắng cải thiện kỹ năng đàm phán sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.

“Để trở thành người đàm phán xuất sắc, mọi người nên trau dồi về khía cạnh trí tuệ cảm xúc, bao gồm việc trở nên kiên nhẫn hơn, học cách thông cảm với người khác và thói quen chuẩn bị kỹ lưỡng khi làm việc”, ông nói.

Đáng chú ý, nhiều nhân sự thường phạm phải 3 sai lầm phổ biến dưới đây khi có mong muốn tăng lương hoặc thăng chức.

Đưa ra đề xuất đột ngột

Theo ông Falcao, nhiều người thường đột ngột đưa ra đề xuất tăng lương hoặc thăng chức vào đợt đánh giá thường niên.

“Một trong những điều tôi thường xuyên nhắc nhở học viên của mình là hãy thực hiện những bước nhỏ”, ông nói.

Quá trình chấp thuận đề xuất thăng tiến thường mất nhiều thời gian và cần có sự tin tưởng. Do đó, vị giáo sư cho rằng thay vì đợi đến đợt đánh giá hàng năm để đề xuất tăng lương hoặc thăng chức, nhân sự nên thảo luận với cấp trên từ rất lâu trước đó.

“Nhân sự nên xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với quản lý trực tiếp, chẳng hạn như mời họ đi cà phê để trò chuyện riêng”, ông chia sẻ.

 Nhân sự nên đặt câu hỏi trong quá trình trao đổi về vấn đề thăng tiến. Ảnh minh họa: Kaboompics/Pexels.

Nhân sự nên đặt câu hỏi trong quá trình trao đổi về vấn đề thăng tiến. Ảnh minh họa: Kaboompics/Pexels.

Những cuộc trò chuyện thường xuyên cũng giúp nhân sự dễ dàng đặt câu hỏi và nhận được góp ý để liên tục cải thiện năng suất làm việc.

Theo gợi ý của ông Falcao, nhân sự có thể bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi như: “Tôi rất hào hứng để được phát triển trong sự nghiệp. Tôi sẵn sàng dành thời gian và công sức để trở thành nhân viên tiếp theo được thăng chức trong nhóm. Tôi nên làm gì để đạt được điều đó?”.

Việc thảo luận về vấn đề thăng tiến trước khi đến đợt đánh giá hàng năm giúp cấp trên nhìn rõ mong muốn phát triển của nhân viên. Ngoài ra, ông cho rằng khi một nhân sự có thể kiên trì thực hiện kế hoạch phát triển năng lực trong suốt một năm, điều đó cho thấy họ có tiềm năng trở thành lãnh đạo.

Không đặt ra câu hỏi

Quá trình thảo luận về vấn đề thăng tiến có thể khiến nhân sự căng thẳng khi xử lý tình huống không tốt.

“Khi rơi vào tình trạng ‘não bộ trống rỗng’ trong quá trình trao đổi, hãy dừng lại và đặt ra một số câu hỏi”, ông cho biết.

Giáo sư gợi ý một số vấn đề để nhân sự đặt câu hỏi trong quá trình đàm phán thăng chức.

Mức thu nhập được đề xuất dựa trên cơ sở nào?

Con số xuất hiện trong lời đề nghị làm việc nên dựa trên cơ sở cụ thể.

“Những con số này có thể là kết quả của một công thức tính toán không rõ ràng và bản thân con số đó không có ý nghĩa cụ thể”.

Do vậy, ông nói rằng khi cấp trên đề xuất một con số hoặc vị trí làm việc, họ nên giải thích được cơ sở tạo nên kết quả đó.

Họ sẽ làm gì nếu đảm nhận vai trò này?

Câu hỏi này mang lại sự thấu hiểu trong quá trình trao đổi cho cả hai phía.

Ví dụ, khi nhân viên nhận được đề xuất không như mong đợi, họ có thể phát hiện người quản lý của họ không trả lời được câu hỏi trên.

Bên cạnh đó, ông nhận thấy sự chênh lệch trong việc nắm giữ thông tin cũng là yếu tố quan trọng khi trao đổi.

Quản lý cấp cao hoặc bộ phận nhân sự là những người nắm rõ mọi thông tin về cơ cấu và ngân sách của doanh nghiệp. Do vậy, họ là nhân tố quan trọng giúp nhân viên hiểu rõ về bối cảnh của công ty để đưa ra quyết định sáng suốt.

Tình hình trao đổi đang diễn ra như thế nào?

Theo gợi ý của ông Falcao, quá trình thỏa thuận có thể bị kéo dài, vậy nên nhân sự nên đề nghị dành thời gian tạm nghỉ và kiểm tra nhanh tình hình trao đổi.

Suy cho cùng, quyết định chấp thuận đề xuất thăng chức hoặc tăng lương sẽ là kết quả của cuộc trao đổi đang diễn ra. Vì thế, việc tạo ra môi trường thoải mái để cuộc thảo luận diễn ra thuận lợi là điều cần thiết.

Không có sự thỏa hiệp

Không giống những khía cạnh công việc khác, quá trình đàm phán không có định nghĩa rõ ràng về một kết quả lý tưởng.

“Quá trình đàm phán thường hỗn loạn, bởi vì mọi người đang cùng nhau tìm kiếm một thỏa thuận chung”, vị giáo sư chia sẻ.

Nhiều người thường cho rằng luôn có “người thắng” và “kẻ thua” trong quá trình đàm phán. Trong khi đó, kết quả cuối cùng là sự thỏa hiệp đến từ hai phía.

Ngoài ra, khả năng lắng nghe và sẵn sàng phối hợp với đối phương cũng là yếu tố quan trọng. Sau cùng, kết quả của quá trình đàm phán là đạt được kết quả có lợi cho cả hai.

Tô An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/3-sai-lam-pho-bien-khi-de-xuat-tang-luong-post1515242.html
Zalo