Fed giảm lãi suất tác động đến thế giới như thế nào?
Sau chu kỳ thắt chặt tiền kéo dài hơn 2 năm qua Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến thực hiện đợt giảm lãi suất đầu tiên vào hôm nay (18-9), theo giờ Mỹ.
Động thái này của Fed sẽ tác động đến các thị trường trên toàn cầu, từ tiền tệ, hàng hóa cho đến cổ phiếu và trái phiếu. Mức tác động ra sao phụ thuộc vào việc Fed quyết định giảm lãi suất 25 hay 50 cơ bản.
Thế giới ‘ngóng’ quyết định lãi suất của Fed
Fed đi sau một loạt ngân hàng trung ương lớn khác ở khu vực đồng euro (eurozone), Anh, Canada, Mexico, Thụy Sĩ và Thụy Điển vì những ngân hàng này đều đã giảm lãi suất.
Nhiều nhà hoạch định chính sách ở những nước này, nhấn mạnh việc sẵn sàng hành động trước Fed để ứng phó với tình trạng tăng trưởng chậm lại và giảm bớt áp lực lạm phát trong nước.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, trước khi nới lỏng tiền tệ hơn nữa thì cần phải xem xét Fed cắt giảm lãi suất với tốc độ nhanh như thế nào. Mối lo ngại lớn của họ là nếu họ hạ lãi suất quá nhanh trong khi Fed hành động chậm rãi, đồng tiền của họ sẽ chịu áp lực giảm giá so với đô la Mỹ.
Lãi suất cao hơn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn, từ đó nâng cao giá trị của đồng nội tệ. Giá đô la tăng mạnh trong suốt năm 2022 khi Fed hạ lãi suất để chống lạm phát. Điều này khiến đồng yen của Nhật Bản và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ chìm sâu vào vòng xoáy giảm giá do hai nước này duy trì lãi suất ở mức thấp.
Fed đang duy trì biên độ lãi suất cao nhất trong hơn 20 năm, 5,25-5,5%. Khoảng chênh lệch lãi suất còn quá lớn của của đô la Mỹ gây khó khăn đối với các ngân hàng trung ương đang cố gắng kiểm soát giá cả tiêu dùng. Đồng nội tệ yếu hơn có thể gây lạm phát vì làm tăng chi phí hàng hóa nhập khẩu, vốn được tính theo đồng đô la.
Ngoài ra, động thái hạ lãi suất của Fed sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ, vốn đang đối mặt rủi ro suy thoái sau khi dữ liệu việc làm suy yếu rõ rệt.
“Nền kinh tế Mỹ là động lực quan trọng của tăng trưởng toàn cầu. Vì vậy, quyết định hạ lãi suất của Fed chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá tài sản trên toàn thế giới”, Richard Carter, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lãi suất cố định của công ty quản lý đầu tư Quilter Cheviot bình luận.
Tác động tích cực cho thị trường vàng và dầu thô
Giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong tuần này khi nhà đầu tư kỳ vọng kim loại quí được hưởng lợi nhờ động thái giảm lãi suất dự kiến của Fed. Lãi suất cao thường là lực cản đối với vàng vì tài sản này không tạo ra thu nhập cố định như trái phiếu, dù về mặt lịch sử điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Nhà đầu tư cũng tăng mua vàng trong những thời điểm kinh tế bất ổn và thị trường tài chính căng thẳng.
Dầu thô và các hàng hóa khác, thường được định giá bằng đô la, dự kiến hưởng lợi khi Fed hạ lãi suất. Chi phí vay đô la thấp hơn có thể kích thích tăng trưởng kinh tế và tăng nhu cầu hàng hóa.
Quyết định nới lỏng tiền tệ của Fed cũng sẽ tác động mạnh đến thị trường chứng khoán toàn cầu. Phần lớn sự biến động của các thị trường cổ phiếu trên toàn cầu trong những tháng gần đây có liên quan đến suy đoán về thời điểm và mức độ giảm lãi suất của Fed.
“Chi phí vay đô la sẽ giảm khi Fed hạ lãi suất, từ đó tạo điều kiện thanh khoản dễ dàng hơn cho các công ty trên toàn thế giới”, Richard Carter của Quilter Cheviot nói.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 hay 50 điểm cơ bản trong cuộc họp hôm nay. Và giới phân tích và nhà đầu tư sẽ nghiền ngẫm tuyên bố chính sách của Fed để dự đoán cơ quan này nới lỏng tiền tệ với tốc độ như thế nào trong ba cuộc họp còn lại trong năm nay
Trong tuần qua, theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME Group, nhà đầu tư đã tăng đặt cược Fed hạ lãi suất 50 cơ bản từ xác suất dưới 50% lên gần 70%.
Theo Joe Tuckey, người đứng đầu bộ phận phân tích ngoại hối của Argentex, nếu giảm lãi suất lớn hơn mức thông thường 25 điểm cơ bản, điều này sẽ cho thấy các quan chức Fed lo ngại về tăng trưởng và khó khăn kinh tế ở phía trước.
Theo CNBC