Thủ tướng làm Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố bắt đầu xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực. Ban chỉ đạo liên ngành đối với các trung tâm này do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban.
Sáng 4/1/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì và chỉ đạo tại Hội nghị này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (bìa trái) tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh việc triển khai xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế đánh dấu một bước quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển đất nước. Theo đó, tạo ra một “cú huých” và động lực mới thúc đẩy phát triển không chỉ đối với TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng mà còn đối với cả nước, góp phần quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh những ngày đầu năm 2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích Kế hoạch 5 năm 2021-2025, thực hiện một nửa chặng đường trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Đồng thời, cũng là năm kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975-2025.
Việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp Việt Nam có cơ hội kết nối với thị trường tài chính toàn cầu. Từ đó, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đồng thời, tạo một bước chuyển mới về chất, giúp thị trường tài chính ở Việt Nam trở nên lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nâng cao vai trò, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ KHĐT cho biết, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Trong đó, đã phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 bộ, ngành, và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện nền tảng phát triển các TTTC tại Việt Nam, tập trung vào 5 trọng tâm, Bao gồm:
Thứ nhất, phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, thúc đẩy xây dựng hệ thống thanh toán, lưu ký và giao dịch tài chính hàng đầu.
Thứ hai, thu hút nhân tài quốc tế, tạo cơ chế đãi ngộ, môi trường sống và làm việc hấp dẫn để thu hút các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới.
Thứ ba, thúc đẩy đổi mới tài chính, phát triển các công cụ tài chính mới như tài chính xanh, công nghệ tài chính (fintech), và quản lý rủi ro tài chính.
Thứ tư, mở rộng hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức tài chính toàn cầu, tham gia các chuẩn mực tài chính quốc tế.
Và thứ năm là bảo vệ an ninh tài chính, tăng cường giám sát và quản lý rủi ro, đảm bảo ổn định hệ thống tài chính.
Song song với Nghị quyết số 259/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành các Quyết định thành lập và phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về TTTC khu vực và quốc tế nhằm thống nhất định hướng, đưa ra các quyết sách lớn, điều phối bảo đảm vận hành các Trung tâm tài chính thông suốt, nhất quán theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng là một trong 6 Phó trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về TTTC khu vực và quốc tế. Ảnh: TTXVN
Ban Chỉ đạo này do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban; Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Phó ban thường trực. Ngoài ra, còn có 5 Phó ban phụ trách khác, bao gồm: ông Nguyễn Văn Nên (Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh); ông Nguyễn Chí Dũng (Bộ trưởng Bộ KHĐT); bà Nguyễn Thị Hồng, (Thống đốc NHNN Việt Nam); ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng).
Để triển khai xây dựng các TTTC kể trên, Bộ KHĐT đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm cần tập trung thực hiện ngay trong năm 2025, Trong đó:
Đối với các bộ, ngành, địa phương đề nghị phối hợp với Bộ KHĐT sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam; hoàn thiện các nhóm chính sách tại Đề án đảm bảo phù hợp với điều kiện sẵn có, thông lệ của các TTTC trên thế giới và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đối với TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, cần tập trung bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển TTTC, đặc biệt là nguồn lực về hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống... Song song đó, tập trung vận động, tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại TTTC của các địa phương.
Riêng đối với các đối tác quốc tế, Bộ KHĐT đề nghị tích cực hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương trong việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng và vận hành TTTC; đề xuất, kiến nghị các chính sách, định hướng cụ thể đối với các nhóm chính sách tại Đề án, góp phần giúp Chính phủ Việt Nam đảm bảo tính đột phá của TTTC tại Việt Nam…
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc xây dựng TTTC quốc tế là sự kiện lớn, góp phần quan trọng để địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Trung ương giao trước mắt và lâu dài.
“Việc thành lập TTTC quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược của Trung ương, sự cam kết mạnh mẽ và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, cùng với sự đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thành phố trong việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính minh bạch, hiệu quả và bền vững” – ông Nên nhận định.
Nhiều chính sách đột phá cần triển khai ngay
Theo kết luận về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam ngày 15/11/2024 của Bộ Chính trị có 3 cơ quan được thành lập để quản lý các TTTC khu vực và quốc tế, bao gồm: Cơ quan quản lý, điều hành; Cơ quan giám sát; Cơ quan giải quyết tranh chấp. Việc thành lập các cơ quan này triển khai thực hiện theo đúng quy định và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đồng thời, thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các TTTC lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.