Thủ tướng: Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát, kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 7/2/2025 về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Thông báo nhấn mạnh, việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là nhiệm vụ cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo

Theo Thông báo, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án đặc biệt quan trọng quốc gia, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành đầu tư trong 5 năm. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo - yêu cầu triển khai ngay một số công việc sau:

Về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, Bộ Công Thương - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, khẩn trương rà soát, kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo, bổ sung các thành viên là đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, cơ quan liên quan khác; Chủ tịch và Tổng giám đốc các tập đoàn: Công nghiệp Năng lượng Quốc gia, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Về việc thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, Bộ Công Thương khẩn trương thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo để hỗ trợ trong việc theo dõi, đôn đốc công việc, tổ chức các cuộc họp theo yêu cầu, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Tổ giúp việc được Bộ Công Thương bảo đảm về cơ sở vật chất, do một đồng chí lãnh đạo Bộ trực tiếp phụ trách với các thành viên bao gồm cả các chuyên gia về điện hạt nhân, làm việc với tinh thần nghiêm túc, chuyên nghiệp, tinh gọn.

Nhanh chóng hoàn thiện quy định pháp luật và cơ chế chính sách

Về hoàn thiện quy định pháp luật, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung bố trí nguồn lực, khẩn trương hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi, bảo đảm chất lượng để trình Quốc hội khóa XV xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp. Nội dung sửa đổi cần bảo đảm phù hợp với tình hình mới, tăng cường phân cấp, phân quyền và cắt giảm thủ tục hành chính.

Về cơ chế, chính sách để triển khai dự án, các Bộ, ngành và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, triển khai nhanh nhất về các vấn đề như giải phóng mặt bằng, tái định cư, ổn định đời sống người dân, cơ chế tài chính, thu xếp vốn, lựa chọn nhà thầu... để rút ngắn thời gian thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, gửi Bộ Công Thương trước ngày 15/02/2025.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét để đề xuất cấp thẩm quyền, trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Trước mắt, ngay trong Kỳ họp bất thường ngày 15/02/2025, Bộ Công Thương trình xin chủ trương và một số cơ chế, chính sách cần thiết để triển khai ngay.

Phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng trước năm 2031

Về việc thực hiện các dự án, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan báo cáo cấp thẩm quyền để giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia thực hiện đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Phấn đấu hoàn thành công tác đầu tư xây dựng trước ngày 31/12/2030, chậm nhất trước ngày 31/12/2031 để chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 85 năm ngày thành lập nước.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đàm phán với các đối tác có công nghệ nguồn tiên tiến như Nga, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp..., ưu tiên các đối tác truyền thống nhưng vẫn bảo đảm khả năng dự phòng trong mọi tình huống. Trên cơ sở đàm phán với các đối tác, xem xét cập nhật lại quy mô công suất, tổng mức đầu tư... phù hợp với tình hình mới đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực và huy động vốn

Về đào tạo nguồn nhân lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương rà soát, huy động lại các nhân lực đã được đào tạo và các nguồn nhân lực có ngành nghề tương tự để có phương án sử dụng hiệu quả, tối ưu nhất. Đồng thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 2/2025 xây dựng Kế hoạch đào tạo chuyên sâu bổ sung nguồn nhân lực cần thiết cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân lực, trong đó, cần chú ý người tổng chỉ huy, tổng công trình sư của dự án.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo chuyên môn chung cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ phát triển các dự án điện hạt nhân.

Về vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan và địa phương rà soát trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, đề xuất gửi Bộ Công Thương tổng hợp trước ngày 15/02/2025. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn cho phép nghiên cứu, xem xét sử dụng nguồn vốn dự phòng năm 2025 hiệu quả để triển khai.

Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân được thành lập theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện và tham mưu, đề xuất giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đồng thời, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển điện hạt nhân, đảm bảo chất lượng, an toàn, an ninh và hiệu quả; chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam để báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt.

Chỉ đạo thực hiện hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong phát triển điện hạt nhân.

Ban Chỉ đạo thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các nhiệm vụ được giao.

Phú Quý

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-khan-truong-kien-toan-ban-chi-dao-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan-372966.html
Zalo