Bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch: Dòng sông 'chết' có thể hồi sinh?
Để sông Tô Lịch thực sự được 'sống lại' và hết ô nhiễm, ngoài giải pháp bổ cập nước từ sông Hồng, Hà Nội cần phải giải quyết được vấn đề hạ tầng thu gom và xử lý nước thải dọc hai bên bờ sông.
Từ một con sông trong xanh góp phần tiêu thoát nước trên địa bàn 6 quận, huyện của Thủ đô, sau một thời gian bị “bức tử,” Tô Lịch đã trở thành một dòng sông “chết.” Dẫu rằng, chính quyền Hà Nội cùng nhiều cơ quan, tổ chức xã hội trong và ngoài nước đã triển khai nhiều giải pháp công trình lẫn phi công trình, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân, nhưng đến nay, sông Tô Lịch vẫn còn rất bẩn thỉu, bốc mùi hôi thối nồng nặc...
Trước thực trạng trên, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có ý kiến chỉ đạo việc đầu tư xây dựng công trình bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, nhằm cải thiện môi trường, cảnh quan, văn hóa, bảo vệ sức khỏe nhân dân theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 111-TB/VPTW ngày 3/12/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng.
Bàn về vấn đề trên, nhiều ý kiến chuyên gia chuyên ngành về nước, môi trường cũng cho rằng việc bổ cập nước từ sông Hồng vào một số dòng sông ở nội đô như sông Tô Lịch sẽ giúp pha loãng ô nhiễm, từng bước cải thiện môi trường. Tuy vậy, để sông Tô Lịch thực sự được “sống lại” và hết ô nhiễm, thì ngoài giải pháp cấp thiết trên, Hà Nội cần phải giải quyết được vấn đề hạ tầng thu gom và xử lý nước thải dọc hai bên bờ sông.
Giải pháp cấp bách để tẩy rửa ô nhiễm
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, việc “rửa sạch” sông Tô Lịch là điều rất cần thiết và cũng là mong muốn từ lâu của người dân Thủ đô.
Tuy nhiên, ông Tứ cũng lưu ý để hiện thực hóa kế hoạch trên, ngoài giải pháp cơ học là bổ cập nước sạch từ sông Hồng vào để rửa trôi dòng nước bẩn, nguồn ô nhiễm ở sông Tô Lịch, thành phố Hà Nội và các cơ quan chuyên môn cần kiên quyết trong xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh việc tuân thủ chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, di dời các cơ sở gây ô nhiễm không phù hợp.
Về việc bổ cập nước sông Hồng vào rửa sạch sông Tô Lịch, ông Tứ khuyến nghị thành phố Hà Nội cần đưa ra cách làm phù hợp từ việc xây dựng đường ống, lựa chọn máy bơm, để làm sao việc thực hiện bổ cập nước được tiến hành thuận lợi nhất và phát huy hiệu quả cao nhất.
Phân tích cụ thể hơn, ông Trịnh Lê Nguyên - Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, cho rằng Tô Lịch vốn là một phụ lưu của sông Hồng, đưa nước sông Hồng sang sông Nhuệ. Hệ thống sông Tô Lịch bị cắt mất nguồn nước sông Hồng từ đầu thế kỷ 18 - khi sông Hồng đổi dòng, các cửa sông cấp nước dần bị bồi lấp. Đến năm 1889, khi người Pháp xây chợ Đồng Xuân lấp hẳn khúc sông đầu nguồn thì Tô Lịch chỉ còn chức năng thoát nước.
Sau hơn thế kỷ, cùng với sự phát triển và mở rộng của Thủ đô, dân số gia tăng mạnh, cơ sở hạ tầng phát triển vượt bậc thì hệ thống sông Tô Lịch cũng đã bị thu hẹp, đứt mạch và trở thành vấn đề ô nhiễm nhức nhối của thành phố hơn chục triệu dân.
“Gần 17 năm trước, người dân Thủ đô từng được chứng kiến dòng sông Tô Lịch trong xanh vài tuần (sau khi được ‘thau rửa’ bởi trận lụt lịch sử năm 2008). Có lẽ sự kiện đó cũng tạo nguồn cảm hứng cho nhiều mong muốn hồi sinh dòng sông này. Tuy nhiên, đây sẽ là một dự án đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, tiền của và kỷ luật xã hội. Các thách thức đặt ra là rất lớn và cần phải giải quyết cùng lúc,” ông Nguyên nói.
Theo kinh nghiệm của ông Nguyên, để hồi sinh dòng sông, trước hết cần đảm bảo dòng chảy tự nhiên. Sông Tô Lịch mất nguồn nước đầu vào vốn dĩ cũng là nguyên nhân tự nhiên khi con “sông mẹ” đổi dòng. Ngày nay, sông Hồng qua nỗ lực chỉnh trị dòng chảy ít biến đổi ở quy mô lớn hơn trước, tuy nhiên để cung cấp đủ dòng chảy đầu vào cho Tô Lịch từ sông Hồng bằng biện pháp nào cũng sẽ rất tốn kém.
“Do vậy, chính quyền thành phố Hà Nội nên tham khảo kỹ càng các chuyên gia để có giải pháp tối ưu và bền vững nhất,” ông Nguyên nêu quan điểm.
Giải pháp thứ hai, ông Nguyên cho rằng Hà Nội cần phải đảm bảo được hạ tầng thu gom và xử lý nước thải dọc hai bên bờ sông Tô Lịch, bao gồm cả ở các phụ lưu, chấm dứt việc xả thải trực tiếp vào dòng sông như hiện nay.
“Hiện nay, mỗi ngày sông Tô Lịch đang ‘nuốt’ hơn 150.000 mét khối nước thải. Nó đang là một kênh xả thải khổng lồ giữa lòng Thủ đô, đúng hơn là một con sông. Nếu không giải quyết được vấn đề này, dù Tô Lịch có dòng chảy tự nhiên thì vẫn chưa thể hết ô nhiễm được,” ông Nguyên trăn trở.
Ngoài ra, Hà Nội cần giải quyết được nạn xả rác xuống sông hồ. “Bên cạnh việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý, phải nói thẳng rằng ý thức của rất nhiều công dân ở Thủ đô, thực sự kém cỏi và thiếu văn minh! Đã đến lúc cần có chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi xả thải trực tiếp vào ao hồ, sông ngòi và thực thi nghiêm túc. Còn không, các nỗ lực cho cơ sở hạ tầng cũng chỉ mới giải quyết được một phần của vấn đề,” ông Nguyên nói thêm.
Cần nghiên cứu kỹ lưỡng khi vận hành
Giáo sư Võ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch là giải pháp phù hợp. Tuy vậy, giải pháp này sẽ chỉ phát huy hiệu quả thật sự khi đã chặn được hoàn toàn các nguồn ô nhiễm đổ xuống sông Tô Lịch.
“Nếu chỉ áp dụng phương án bổ sung nước mà không kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải thì hiệu quả sẽ không duy trì được lâu dài,” ông Hồng nói.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng việc đầu tư xây dựng trạm bơm trực tiếp từ sông Hồng bằng hệ thống đường ống áp lực với lưu lượng 3-5 m3/giây và 3 đập dâng để bổ cập dòng chảy trên sông Tô Lịch, duy trì mực nước trên sông và cột nước tràn qua các đập là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý trường hợp thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng theo phương án nêu trên, Hà Nội cần bổ sung đánh giá đến nguy cơ gây sạt lở, bồi lắng khu vực sông Hồng, khu vực cửa lấy nước của trạm bơm đầu mối đảm bảo công trình ổn định lâu dài và lấy nước liên tục trong điều kiện mực nước sông Hồng ngày càng hạ thấp.
Việc lấy nước trực tiếp từ sông Hồng cần xem xét bổ sung nghiên cứu vấn đề ô nhiễm thứ cấp đến sông Tô Lịch, cũng như các giải pháp xử lý việc lắng đọng phù sa và rác thải tại 3 đập dâng trên sông trong quá trình vận hành.
Bên cạnh đó, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc dẫn nước từ sông Hồng về sông Tô Lịch bằng đường ống áp lực D1200 mm dọc theo đường Võ Chí Công với chiều dài khoảng 5,5 km cũng cần phải nghiên cứu, có các giải pháp cụ thể để giải quyết các rủi ro như phá hỏng các công trình ngầm trong quá trình thi công; vỡ, tắc đường ống trong quá trình vận hành.
Trước đó, ngày 26/1/2025, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 741/VPCP-NN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc đầu tư xây dựng công trình bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trước mắt cần triển khai ngay Dự án bổ cập nước sông Tô Lịch, nhất là khi 100% nước thải dọc theo dòng sông được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và nước sau thu gom, xử lý không được trả lại về sông Tô Lịch.
Việc chuyển nước từ sông Hồng về sông Tô Lịch cần được thực hiện đồng thời với rà soát các quy hoạch có liên quan, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu gom toàn bộ nước thải dọc theo các sông, kiểm soát nước mưa, chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan hai bên sông, phát huy hiệu quả kinh tế, văn hóa, môi trường. Thành phố Hà Nội quyết định và thực hiện dự án theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.”
Trên tinh thần đó, ngày 5/2 vừa qua, Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành thông báo kết luận của Chủ tịch Trần Sỹ Thanh về phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường.
Theo đó, giai đoạn trước mắt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với sở xây dựng và các sở, ngành nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành Trung ương về việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch; khẩn trương đề xuất phương án sử dụng nguồn nước từ sông Hồng và nguồn nước sau xử lý của nhà máy xử lý nước thải hồ Tây để bổ cập nước cho hồ Tây (qua hồ trung gian là hồ Sen) đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ Tây.
Sở Xây dựng Hà Nội được giao nhiệm vụ nghiên cứu và đề xuất phương án lấy nước từ hồ Tây bổ cập cho sông Tô Lịch, thông qua hệ thống cửa điều tiết hồ Tây A - Cống Đõ - Mương Thụy Khuê khi cần thiết, nhằm duy trì mực nước sông Tô Lịch. Dự kiến công việc này sẽ hoàn thành trong tháng 8/2025.
Về lâu dài, thành phố yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ rà soát quy hoạch và nghiên cứu phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công, giúp vừa duy trì dòng chảy cho sông Tô Lịch vừa đảm bảo mực nước hồ Tây ổn định.
Đối với việc chỉnh trang 2 bên sông Tô Lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, ủy ban nhân dân các quận, huyện khu vực dọc sông Tô Lịch thực hiện công tác trang trí, vệ sinh môi trường đảm bảo cảnh quan đô thị ven sông. Trước mắt, ủy ban nhân dân các quận, huyện dọc sông Tô Lịch thực hiện vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, đất thải, trồng cây, cây hoa, cây cảnh tạo cảnh quan./.