Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia các dự án lớn của đất nước
Tại cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong phát triển kinh tế đất nước, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp mạnh dạn đăng ký tham gia vào các dự án lớn của quốc gia.
Sáng nay 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp. Ảnh: VGP.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_594_51438154/32a871a24aeca3b2fafd.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp. Ảnh: VGP.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khẳng định các thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn.
Thủ tướng chia sẻ, chúng ta đang triển khai quyết liệt một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân… Bên cạnh đó, tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh khai thác các không gian phát triển mới; thúc đẩy tăng trưởng GDP; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…
Trong các việc lớn nói trên, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách.
Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ, vừa qua đã đề nghị tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao; tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao, tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…
Theo báo cáo tổng hợp, đến nay nước ta có hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng năm 2024, có trên 233 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay. Lực lượng doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chính sách thể hiện sự quan tâm kịp thời, gíup cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và gia tăng niềm tin, tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả rất đáng tự hào, đáng khích lệ, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại; tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Trước yêu cầu phát triển mới, cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gợi mở nhiều định hướng và giải pháp như khơi thông mọi nguồn lực, thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, phát huy vai trò của doanh nghiệp dẫn đầu…
Trong đó, kiến nghị, xây dựng cơ chế, chính sách hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng tham gia thị trường quốc tế.
Tại hội nghị, Thường trực Chính phủ, các bộ, ngành đã lắng nghe, chia sẻ, trao đổi với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như bàn các nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.