Thủ tướng Israel đánh giá tiến triển trong đàm phán ngừng bắn ở Gaza
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 23/12 cho rằng tiến triển đàm phán để đạt được thỏa thuận ngừng bắn với phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza qua đó tạo điều kiện thuận lợi để trả tự do cho con tin vẫn đang tiến triển.
Ông Netanyahu đưa ra thông báo này trước Quốc hội Israel, trong bối cảnh các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Hamas đang diễn ra tại Doha dưới sự trung gian của Qatar, Ai Cập và Mỹ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này đề cập khung thời gian cụ thể để đạt được thỏa thuận nói trên, song khẳng định Chính phủ sẽ không ngừng nỗ lực cho đến khi đưa được tất cả con tin về nhà.
Trước đó cùng ngày, tại cuộc họp kín của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng thuộc Quốc hội Israel, Ngoại trưởng Gideon Sa'ar đã vạch ra một thỏa thuận khung bao gồm nhiều giai đoạn và được triển khai từng bước.
Phát biểu trên đài phát thanh địa phương, ông Amichai Chikli – Bộ trưởng phụ trách các vấn đề di cư của Israel cho biết đã đạt được một số tiến triển và các bên đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận sau nhiều tháng chưa đạt được bước đột phá. Ông Chikli nói thêm rằng giai đoạn đầu sẽ là "giai đoạn nhân đạo", bao gồm lệnh ngừng bắn kéo dài 42 ngày và trả tự do cho một số con tin. Ông Chikli nói: “Lệnh ngừng bắn này có thể kéo dài 6 tháng hoặc 10 năm, tùy thuộc vào diễn biến trên thực địa”.
Thời hạn kéo dài lệnh ngừng bắn là một trong những vấn đề then chốt trong các cuộc đàm phán trước đây. Phong trào Hồi giáo Hamas ngày 21/12 cho biết lãnh đạo của ba phe nhóm người Palestine đã nhất trí rằng một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza “đang ở gần hơn bao giờ hết”, nếu Israel không đưa ra thêm điều kiện mới.
Thông báo được Hamas đưa ra một ngày sau cuộc họp tại Cairo (Ai Cập) giữa lãnh đạo của Hamas, phong trào Jihad Hồi giáo Palestine và Mặt trận bình dân giải phóng Palestine.
Trong diễn biến khác liên quan đến cuộc xung đột ở Dải Gaza, ngày 23/12, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Ireland Simon Harris đã có cuộc điện đàm để thảo luận về những diễn biến mới nhất tại các vùng lãnh thổ của Palestine. Theo hãng thông tấn chính thức WAFA của Palestine, trong cuộc điện đàm, ông Abbas nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thực hiện Nghị quyết 2735 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhằm chấm dứt giao tranh ở Gaza, cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân ở vùng đất này và đảm bảo việc Israel rút toàn bộ lực lượng khỏi Gaza.
Ông Abbas cũng ghi nhận sự ủng hộ của Ireland đối với người dân Palestine, trong đó có việc chính thức công nhận Nhà nước Palestine hồi tháng 5 vừa qua. Về phần mình, Thủ tướng Harris kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tôn trọng luật pháp quốc tế.
Liên quan đến tình hình nhân đạo ở Gaza, LHQ tiếp tục bày tỏ quan ngại trước tình hình bạo lực xảy ra liên tục và không có dấu hiệu thuyên giảm đã khiến người dân ở dải đất ven Địa Trung Hải này không có nơi nào an toàn để đi tránh trú an toàn.
Ông Tom Fletcher- Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) – đã đưa ra thông điệp như vậy sau chuyến thăm Syria và các vùng lãnh thổ của Palestine bị chiếm đóng.
Quan chức này chỉ ra thực tế đáng quan ngại khi cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza đang trở nên ngày càng tồi tệ, nhất là khi các cuộc không kích liên tiếp nhằm vào các khu vực đông dân, bao gồm các khu vực được lực lượng Israel chỉ định là địa điểm tái định cư, khiến cơ sở hạ tầng và nhà cửa bị phá hủy trên diện rộng, người dân phải liên tục di dời nơi ở hoặc nơi tránh trú tạm thời của mình và thậm chí thiệt mạng. Đồng thời, ông bày tỏ quan ngại về tình trạng cướp bóc hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza, ảnh hưởng đến nỗ lực viện trợ của LHQ.
Ngày 23/12, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã kêu gọi Thụy Điển xem xét lại quyết định ngừng tài trợ cho Cơ quan của LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA).
Trong một tuyên bố, PLO cho rằng quyết định của Thụy Điển sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng và ngay lập tức đến hoạt động của UNRWA, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp viện trợ thiết yếu đối với người dân ở Gaza.
Trước đó, ngày 20/12, Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển Quốc tế của Thụy Điển, ông Benjamin Dousa thông báo sẽ không tài trợ cho UNRWA và sẽ tăng cường viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza thông qua các kênh khác. Ông Dousa cho biết quyết định này xuất phát từ việc Israel cấm UNRWA hoạt động, nên việc chuyển viện trợ cho người Palestine thông qua cơ quan này trở nên khó khăn hơn.