Chính quyền ở Syria thay đổi tác động như thế nào đến quan hệ Nga-Thổ
Sự sụp đổ của chính quyền Assad ở Syria đã tạo ra sự biến động lớn trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Diễn biến này không chỉ ảnh hưởng đến cục diện tại Syria mà còn tác động sâu rộng đến mối quan hệ quốc tế của cả hai bên.
Theo Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie mới đây, sự thay đổi đột ngột chính quyền ở Syria đã tạo ra những biến động mạnh mẽ trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đây, Moskva thường giữ thế chủ động trong mối quan hệ này, nhưng giờ đây, Ankara đang nổi lên như một bên có lợi thế hơn. Việc Nga yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ rút quân khỏi Syria là một minh chứng rõ nét cho sự dịch chuyển này.
Trước khi chính quyền Assad sụp đổ, Nga đã can thiệp vào Syria cùng với Iran và Hezbollah để ngăn chặn tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thay đổi chế độ tại Damascus. Tuy nhiên, sau sự kiện này, quân đội Nga đã bắt đầu rút lui về căn cứ quân sự của họ tại tỉnh Latakia, và các báo cáo cho thấy họ đang vận chuyển quân nhân và thiết bị quân sự bằng đường hàng không trở về nước. Số phận của những căn cứ đó — sân bay Khmeimim của Nga và cơ sở hải quân tại Tartus — vẫn còn là vấn đề suy đoán. Phía Nga có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ chúng, trừ khi họ có thể đạt được thỏa thuận với nhóm đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS) để ở lại.
Thay đổi trong chiến lược đối ngoại
Mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua nhiều giai đoạn giữa căng thẳng và hợp tác. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga vào năm 2015, Moskva đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với Ankara. Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhanh chóng ủng hộ người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan, tạo điều kiện cho việc tái thiết mối quan hệ giữa hai nước.
Dù có những xung đột nhất định về lợi ích ở Libya và Ukraine, cả hai bên vẫn duy trì được mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ. Nga đã thúc đẩy xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đường ống Biển Đen; bằng cách xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ và bằng cách cung cấp cho thành viên NATO này các hệ thống phòng không tiên tiến - khiến Mỹ thất vọng.
Mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ trở nên quan trọng hơn nữa đối với Nga sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát vào năm 2022, cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, theo AP.
Phương Tây đáp trả bằng các lệnh trừng phạt kinh tế cấm Nga tiếp cận hầu hết các thị trường của họ, hạn chế quyền tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế, đóng cửa các tuyến vận tải và ngừng xuất khẩu các công nghệ quan trọng. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia không tham gia lệnh trừng phạt, đã nổi lên như cửa ngõ chính của Nga vào các thị trường toàn cầu, củng cố vị thế của Ankara trong các cuộc đàm phán với Moskva.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và cung cấp vũ khí cho Kiev, Tổng thống Erdogan lại đồng tình với ông Putin khi cáo buộc Mỹ và NATO kích động xung đột. Tổng thống Putin đã đánh giá cao ông Erdogan vì đã đề nghị làm trung gian hòa giải.
Hoạt động cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Ukraine được thúc đẩy bởi sự phụ thuộc của nước này vào thị trường Nga rộng lớn, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và dòng khách du lịch.
Do tập trung vào Ukraine, Nga không còn nhiều nguồn lực cho Syria vào thời điểm Hezbollah cũng rút quân trong cuộc chiến với Israel và sự ủng hộ của Iran dành cho chính quyền Assad cũng suy yếu.
Nga đã cố gắng bảo trợ các cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nhưng ông Assad đã cản trở, từ chối mọi sự thỏa hiệp.
Điều này đã góp phần kích hoạt cuộc tấn công của phe đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn vào tháng 11 năm nay. Quân đội Syria thiếu kinh phí và mất tinh thần nhanh chóng sụp đổ, tạo điều kiện cho phe đối lập tràn vào khắp đất nước và chiếm Damascus.
Mặc dù đã cấp quy chế tị nạn cho ông Assad, Nga vẫn tiếp cận các nhà lãnh đạo mới của Syria, tìm cách đảm bảo an ninh cho binh sĩ vẫn còn ở đó và gia hạn hợp đồng thuê các căn cứ hải quân và không quân.
Tại cuộc họp báo thường niên tuần trước, ông Putin cho biết Nga đã đề nghị các nhà lãnh đạo mới của Syria sử dụng các căn cứ để cung cấp viện trợ nhân đạo và gợi ý rằng Moskva có thể đưa ra các ưu đãi khác.
"Các lực lượng đối lập của Syria hiểu rõ rằng tương lai của đất nước này là không chắc chắn. Họ muốn Nga, nếu không phải là một người bạn, thì là một bên trung lập", Nikolay Kozhanov, thành viên tư vấn của chương trình Nga và Âu-Á của Viện Chathan House có trụ sở tại Anh, cho biết trong một bài bình luận.
Ông Kozhanov lưu ý rằng “Mục tiêu chính của Nga sẽ là duy trì ít nhất một mức độ ảnh hưởng tối thiểu thông qua sự hiện diện quân sự, ví dụ như tại các căn cứ hiện có hoặc thông qua các mối quan hệ với các bên liên quan khác trong khu vực, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ”.
Về phần mình, Emre Ersen, chuyên gia về Nga tại Đại học Marmara ở Istanbul, lưu ý rằng trong khi sự sụp đổ của Assad sẽ làm giảm ảnh hưởng của Moskva, thì "mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ không bị tàn phá bởi các sự kiện ở Syria". Chuyên gia Ersen nêu rõ: “Rõ ràng là họ vẫn cần phải tiếp cận nhau về cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng cũng vì họ có mối quan hệ kinh tế rất quan trọng”, đồng thời nói thêm rằng Tổng thống Erdogan có thể sẽ tìm kiếm nhiều nhượng bộ hơn từ Nga về các vấn đề năng lượng và thương mại.