Thủ tướng: Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng không phải duy nhất

Nói về việc Hoa Kỳ áp thuế quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã chủ động làm tất cả các biện pháp có thể làm…

Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2025

Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2025

Sáng 6-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta đã đi qua 1/4 thời gian của năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng mạnh mẽ. Dù vậy, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kết quả đạt được rất tích cực.

Về việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan đối ứng, căng thẳng thương mại leo thang, có thể gây đứt gãy chuỗi thương mại, cung ứng toàn cầu; các nước đã có phản ứng khác nhau, thị trường chứng khoán các nước sụt giảm; tác động mạnh đến tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng nêu rõ, về việc này, ngay từ đầu năm, chúng ta đã chủ động thực hiện tất cả các biện pháp có thể làm. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành đã giao thiệp với phía Hoa Kỳ, trao đổi trên tất cả các kênh chính trị, ngoại giao.

Trong nước, chúng ta thực hiện nhiều giải pháp liên quan quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, như tiếp tục nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu, mua hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp các nước tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ; giải quyết các yêu cầu chính đáng của phía Hoa Kỳ trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đồng thời, chúng ta chia sẻ với các đối tác khác, nhất là hợp tác thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; đặt quan hệ kinh tế - thương mại với Hoa Kỳ trong tổng thể quan hệ kinh tế, thương mại của Việt Nam với các nước, đặc biệt là các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và các hiệp ước quốc tế khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Thủ tướng nhấn mạnh, các giải pháp là rất tích cực, nhưng cũng giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh khi gặp khó khăn, các cú sốc từ bên ngoài, phát huy văn hóa và trí tuệ Việt Nam để có giải pháp sáng tạo, chủ động, kịp thời, thích ứng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.

Cách tiếp cận, xử lý vấn đề mang tính tổng thể, toàn diện, vừa có trước mắt, vừa có lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, cả diện rộng và có trọng điểm, cả biện pháp thương mại và phi thương mại để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thủ tướng nêu rõ, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng không phải là duy nhất; đồng thời đây cũng là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng các mặt hàng để xâm nhập vào các thị trường khác còn nhiều tiềm năng…

Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng, trong sáng 3-4, Chính phủ đã họp và báo cáo Bộ Chính trị tổng thể tình hình và các giải pháp ứng phó, trong đó chú trọng giao thiệp với phía Mỹ, đề nghị tạm thời chưa áp thuế đối ứng để đàm phán cụ thể.

Ngày 5-4, Thường trực Chính phủ tiếp tục họp với các cơ quan liên quan để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump.

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tăng trưởng GDP quý I của Việt Nam ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, cao hơn kịch bản tại Hội nghị Trung ương 10 (6,2-6,6%) và là mức tăng trưởng quý I cao nhất từ năm 2020. Kết quả tích cực này giúp Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới, khu vực.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính dự báo nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn; các động lực tăng trưởng bị ảnh hưởng nặng nề, ổn định kinh tế vĩ mô gặp nhiều rủi ro, công tác an sinh xã hội có thể đối mặt với nhiều thách thức.

Cụ thể, các động lực tăng trưởng nguy cơ suy giảm, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 gặp thách thức nặng nề hơn. Nếu bị áp mức thuế 46% trên diện rộng, xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị tác động mạnh, lây lan ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, doanh nghiệp, thu hút FDI, đầu tư tư nhân, tiêu dùng, lao động việc làm trong nước…

Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo cả năm, theo Bộ Tài chính, để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên thì 9 tháng cuối năm cần tăng khoảng 8,3%; tăng trưởng quý II là 8,2%, quý III và quý IV lần lượt là 8,3% và 8,4%, cao hơn khoảng 0,2% so với kịch bản đề ra.

Tiến Hưng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thu-tuong-hoa-ky-la-thi-truong-xuat-khau-lon-nhat-cua-viet-nam-nhung-khong-phai-duy-nhat-post608180.antd
Zalo