Thủ tướng Đức tuyên bố không hợp tác với phe cực hữu
Trong cuộc họp cuối cùng tại Quốc hội đương nhiệm, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz và lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz dù bất đồng nhưng đều tuyên bố không hợp tác với phe cực hữu.
![Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: TTXVN phát)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_14_51462963/475896cba6854fdb1694.jpg)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: TTXVN phát)
Thủ tướng Scholz bày tỏ lạc quan về triển vọng của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong cuộc bầu cử sắp tới, nhắc lại thành công của đảng này vào năm 2021. Ông khẳng định sẽ không bao giờ hợp tác với phe cực hữu. Trong khi đó, ông Merz, lãnh đạo phe đối lập, ứng cử viên Thủ tướng của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) cho biết việc hợp tác với đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Ðức (AfD) là điều không thể.
Trong khi đó, tại thành phố Munich, bang Bavaria của Ðức, hơn 200.000 người tham gia các cuộc tuần hành mới phản đối đảng cực hữu AfD. Cảnh sát Munich ban đầu ước tính khoảng 100.000 người tham gia tuần hành, nhưng con số đã tăng lên hơn 200.000 người ngay sau khi bắt đầu. Những người tổ chức cho biết cuộc tuần hành ở Munich nhằm mục đích gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ ủng hộ sự gắn kết. Trước đó, cuộc tuần hành phản đối đảng cực hữu tại Berlin đã thu hút tới 160.000 người.
Các diễn biến nêu trên diễn ra khi còn chưa đầy hai tuần nữa nước Ðức sẽ tiến hành bầu cử liên bang. Hiện có khoảng 59,2 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu. Di cư và ổn định kinh tế là những vấn đề hiện gây tranh cãi nhiều nhất. Phần lớn người dân Ðức lo lắng về nền kinh tế và giá cả tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu, từng là động lực kinh tế của khu vực, có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Theo kế hoạch, Ðức sẽ tổ chức bầu cử liên bang vào ngày 23/2 tới, sớm 9 tháng so với kế hoạch do liên minh cầm quyền tan rã và chính phủ thiểu số sau đó không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội tháng 12/2024 vừa qua, buộc Thủ tướng Olaf Scholz phải yêu cầu Tổng thống Frank-Walter Steinmeier giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử sớm.