Thị trường khách sạn Hà Nội đang hoạt động tốt

Quý 1/2025, công suất thuê phòng khách sạn Hà Nội tăng trưởng 5 điểm % theo quý và 11 điểm % theo năm, đạt 76%. Công suất thuê phòng 5 sao tăng 5 điểm %; 4 sao tăng 6 điểm %; và 3 sao tăng 4 điểm % theo quý. Giá thuê khách sạn 5 sao cũng tăng nhẹ 2% theo quý, khách sạn 4 sao và 3 sao tăng lần lượt 5% và 4%...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tương tự như các quốc gia khác trên thế giới, ngành khách sạn Việt Nam đang trải qua giai đoạn hồi phục mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch. Trong đó, thị trường khách sạn Hà Nội được đánh giá hoạt động tốt, nhờ nguồn cầu mạnh mẽ từ du khách nước ngoài và nguồn cung tương lai có chất lượng cao…

GIÁ THUÊ KHÁCH SẠN TĂNG

Tại sự kiện công bố Báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2025, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội, cho biết quý 1/2025, nguồn cung khách sạn Hà Nội đến từ 67 dự án với 11.064 phòng, ổn định theo quý và giảm 1% theo năm.

Tuy nhiên, đáng chú ý là công suất thuê tăng trưởng 5 điểm % theo quý và 11 điểm % theo năm, đạt 76%. Công suất thuê phòng 5 sao tăng 5 điểm %; 4 sao tăng 6 điểm %; và 3 sao tăng 4 điểm % theo quý. Giá thuê phòng trung bình tăng 2% theo quý nhưng giảm 7% theo năm. Giá thuê khách sạn 5 sao tăng nhẹ 2% theo quý; khách sạn 4 sao và 3 sao tăng lần lượt 5% và 4%.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến những chuyển biến tích cực của ngành khách sạn Thủ đô, đại diện Savills thông tin Việt Nam đã đón 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong quý 1/2025, tăng 29,6% theo năm, ghi nhận con số cao nhất từ trước đến nay. Trung Quốc vượt qua Hàn Quốc để trở thành thị trường du khách lớn nhất với 1,58 triệu lượt (tăng 78,3%), theo sau là Hàn Quốc với 1,26 triệu lượt (tăng 2,2%). Các thị trường khác bao gồm Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, với mức tăng trưởng dao động từ 10% đến 26%.

Riêng Hà Nội ghi nhận 1,85 triệu lượt khách quốc tế đến trong quý 1/2025, tăng 17,4% theo năm. Như vậy, Hà Nội là thành phố xếp thứ hai, sau TP. Hồ Chí Minh về lượng khách quốc tế tới tham quan.

Những con số tích cực kể trên đến từ nỗ lực trong việc quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch khai thác giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Nội. Vốn nổi tiếng với sự giàu có về di sản văn hóa và lịch sử, Hà Nội được du khách quốc tế và trong nước đánh giá là điểm đến bậc nhất trong các điểm đến du lịch của cả nước và có thể xứng tầm cạnh tranh toàn cầu.

Từ đầu năm đến nay, Thành phố tổ chức thành công chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2025 - Get on Hanoi 2025”; phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình Du xuân hữu nghị 2025 tại huyện Mê Linh với sự tham dự của hơn 400 đại biểu trong nước và quốc tế…

Ngoài ra, Hà Nội cũng chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, tăng cường truyền thông quảng bá và các yếu tố quan trọng khác để thu hút đầu tư và khách du lịch. "Nhờ đó, Hà Nội đang dần khẳng định vị thế trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế”, chuyên gia khẳng định.

THÊM NGUỒN CUNG MỚI

Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, ngay từ tháng 3/2025, Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng, tổ chức khai trương, ra mắt các sản phẩm du lịch mới như: sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản - di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng; tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội tại các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên; Mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức; mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ; tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện công tác thẩm định công nhận khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố…

Vì vậy, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc, Savills Việt Nam, kì vọng với việc thúc đẩy hoạt động du lịch nhằm hướng tới mục tiêu đón 30 triệu lượt khách trong năm 2025, phân khúc khách sạn Hà Nội có thể đón nhận thêm nhiều chuyển biến tích cực.

Cũng theo chuyên gia này, dự kiến kể từ năm 2025, nguồn cung tương lai với 68 dự án sẽ cung cấp ra thị trường 11.868 phòng. Riêng năm 2025, có 2.676 phòng thuộc 11 dự án sẽ được hoàn thành, bao gồm 8 khách sạn 5 sao và 3 khách sạn 4 sao. Khu vực phía tây chiếm 44% nguồn cung mới, khu vực nội thành chiếm 42%. Các đơn vị vận hành quốc tế quản lý khoảng 39% số phòng mới, còn đơn vị vận hành trong nước quản lý 61% nguồn cung còn lại. Các thương hiệu đáng chú ý sắp ra mắt bao gồm: Hilton, Hyatt, Fusion, Accor, Marriott và The Shilla.

Song bên cạnh những tín hiệu tích cực, thị trường cũng phải đối mặt với không ít thách thức mới. Đơn cử như: biến động kinh tế toàn cầu, thay đổi nhu cầu du lịch và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ… Trong đó, AI dự báo được ứng dụng ngày càng rõ nét trong vận hành khách sạn, để tối ưu hóa quy trình làm việc, cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng và tăng doanh thu. Vì vậy, trước kỷ nguyên công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) cần được quan tâm trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp khách sạn.

“Năm 2025 tiếp tục ghi nhận sự chuyển biến của ngành khách sạn. Bên cạnh đó, những thay đổi liên quan đến tình hình thị trường trong nước lẫn quốc tế sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn cho doanh nghiệp về cải thiện chất lượng dịch vụ”, ông Troy Griffiths lưu ý.

Thanh Xuân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thi-truong-khach-san-ha-noi-dang-hoat-dong-tot.htm
Zalo