Thủ tướng: Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng

Ngay từ đầu năm 2025, thế giới đã xuất hiện những khó khăn, những diễn biến mới phức tạp nên các doanh nghiệp cần luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng.

Đây là chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới diễn ra sáng 10/2.

Chính phủ rất chia sẻ với các doanh nghiệp

Theo đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các doanh nghiệp lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, năm 2024, cả thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài, biến động chính trị, cạnh tranh chiến lược… tác động tới phát triển đất nước, hoạt động của doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm 2025, thế giới đã xuất hiện những khó khăn, những diễn biến mới phức tạp nên các doanh nghiệp cần luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng khi lúc nào cũng có khó khăn xuất hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ rất chia sẻ với các doanh nghiệp trước các khó khăn và xác định luôn đồng hành, cùng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vướng mắc về thể chế đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" nhưng cũng là "đột phá của đột phá".

Tăng trưởng 2 con số cần sự đóng góp của doanh nghiệp

Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 này, một điểm mới là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực. Nếu cứ tăng trưởng "bình bình" thì không thể đạt được 2 mục tiêu phát triển 100 năm. Trung ương đã ban hành Kết luận 123 với yêu cầu tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo phải đạt tăng trưởng 2 con số. Để thực hiện điều này, rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 này, một điểm mới là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 này, một điểm mới là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết, Chính phủ có kế hoạch gặp gỡ với các ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp FDI để chia sẻ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, góp ý cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về những việc phải làm trước mắt và trong tương lai để tiếp tục phát triển.

Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải tiếp tục rà soát, hằng tháng báo cáo những vướng mắc về thể chế để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi; như vấn đề miễn thuế trước bạ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, miễn thuế VAT cho doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế, phí, lệ phí; giải quyết các vấn đề liên quan quy hoạch, đất đai, thủ tục, giấy phép…

Điều này rất cần có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp. Thời gian qua, các luật, các quy định mới liên quan đất đai, môi trường được ban hành đều có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng đặt vấn đề cần những giải pháp gì để đất nước tăng trưởng 2 con số; như các địa phương, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, doanh nghiệp FDI phải đồng bộ tăng trưởng; phân tích kỹ, đánh giá ứng phó tình hình hiện nay như thế nào khi có kịch bản xấu xảy ra.

Thủ tướng chia sẻ, chúng ta đang triển khai quyết liệt một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân; tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh khai thác các không gian phát triển mới như không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ; thúc đẩy tăng trưởng GDP; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…

Thủ tướng đề nghị trong các việc lớn của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị trong các việc lớn của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bày tỏ ngưỡng mộ, khâm phục, đánh giá cao những nỗ lực vươn lên, thành quả đạt được của các doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng đề nghị trong các việc lớn nói trên của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ, vừa qua đã đề nghị Tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao, Tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao, tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…

Nhận định tình hình có nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng có nhiều thời cơ và thuận lợi, Thủ tướng mong lãnh đạo các doanh nghiệp từ thực tiễn, kinh nghiệm, thành công, với đam mê, nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, mạnh dạn đóng góp ý kiến với tinh thần chân thành, thẳng thắn, tất cả vì sự phát triển của đất nước, vì Tổ quốc, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Sáng 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới. Đây là cuộc gặp mặt đầu tiên của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhân đầu Xuân mới 2025.

Thanh Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-doanh-nghiep-can-chuan-bi-tam-the-san-sang-373037.html
Zalo