Thủ tướng đề nghị Thaco sản xuất tàu đường sắt tốc độ cao

Tại buổi làm việc ngày 8/2 tại Quảng Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Tập đoàn Thaco tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất toa tàu, đầu máy cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Thaco hiện là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực ô tô, nông nghiệp, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ. Năm 2024, tập đoàn này nộp ngân sách hơn 23.700 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động và chiếm khoảng một phần ba thị phần ô tô nội địa với doanh số 92.000 xe.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tại Tập đoàn Thaco

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tại Tập đoàn Thaco

Thủ tướng đánh giá cao năng lực của Thaco, đặc biệt trong ứng dụng số hóa, tự động hóa, đổi mới sáng tạo và công nghiệp hóa. Với những lợi thế này, ông đề nghị tập đoàn nghiên cứu tham gia chế tạo toa tàu, đầu máy, góp phần vào quá trình nội địa hóa ngành đường sắt tốc độ cao.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11/2024. Tuyến đường có tổng chiều dài 1.541 km, nối từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh thành. Toàn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn khổ đôi 1.435 mm, với tốc độ 350 km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Dự án có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa và dự kiến hoàn thành vào năm 2035. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án lên tới 1,713 triệu tỷ đồng (67 tỷ USD), với hình thức đầu tư công.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, Việt Nam sẽ tự đầu tư, ít chịu ràng buộc về chuyển giao công nghệ nước ngoài, đảm bảo doanh nghiệp nội địa có thể tham gia sâu vào dự án. Bộ GTVT cũng đặt ra điều kiện nhà thầu nước ngoài phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước, nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đóng góp tới 34 tỷ USD vào dự án. Hiện nay, ngành giao thông đã có các đội ngũ nhà thầu nội địa có khả năng thực hiện cầu, đường, hầm, cầu dây văng.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, với sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ và chính sách phù hợp, Việt Nam có thể làm chủ toàn bộ quy trình xây dựng, vận hành và bảo trì đường sắt tốc độ cao, đồng thời nội địa hóa dần sản xuất linh kiện, phụ tùng thay thế. Chính phủ cũng có thể chỉ định các doanh nghiệp đầu ngành về đường sắt, xây dựng hạ tầng, cơ khí chế tạo và công nghệ thông tin tham gia vào dự án. Các doanh nghiệp này sẽ đảm nhiệm các mảng như sản xuất linh kiện, thiết bị và phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ hệ thống đường sắt.

Tuy nhiên, để khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia, nhà nước cần sớm ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu và sản xuất, đặc biệt trong các lĩnh vực cơ khí, phần mềm tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và hệ thống tín hiệu đường sắt.

Trước đó, nhiều tập đoàn trong nước cũng bày tỏ mong muốn tham gia vào dự án. Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, từng khẳng định doanh nghiệp này có đủ năng lực sản xuất thép cho đường ray của dự án. Tập đoàn Đèo Cả cũng đã gửi công văn kiến nghị Thủ tướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa tham gia, đề xuất đảm nhận các hạng mục cầu, đường hầm, trong khi các phần như đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu có thể liên doanh với đối tác nước ngoài để thực hiện.

Việc Thaco cùng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất toa tàu, đầu máy không chỉ góp phần phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt nội địa, mà còn giúp giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam.

M.H

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/thu-tuong-de-nghi-thaco-san-xuat-tau-duong-sat-toc-do-cao-315961.html
Zalo