Thủ tướng: Để đạt tăng trưởng GDP 8%, rất cần sự đóng góp của doanh nghiệp lớn

Ngày 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp để bàn về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhà nước và tư nhân.

Phát biểu mở đầu hội nghị, thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm, các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các doanh nghiệp lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp

Thủ tướng cho biết, đất nước đã bước sang năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn khó khăn với đại dịch COVID-19 hoành hành, chiến tranh, xung đột trên thế giới làm đứt gãy chuỗi cung ứng; năm 2024 vừa qua cơn bão Yagi đã gây hậu quả nghiêm trọng, sự ra đi đột ngột của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tác động đến tình hình đất nước.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng tình của người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đất nước ta đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, khốc liệt và đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng. Trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đã cùng đất nước trải qua những khó khăn.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Chính phủ rất chia sẻ với các doanh nghiệp trước các khó khăn và xác định luôn đồng hành, cùng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vướng mắc về thể chế đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" nhưng cũng là "đột phá của đột phá".

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025, Chính phủ sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước. Theo Thủ tướng, nếu cứ tăng trưởng bình bình thì không thể đạt được 2 mục tiêu phát triển 100 năm. Muốn vậy năm 2025 phải đạt tăng trưởng ít nhất 8% GDP để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo đạt tăng trưởng 2 con số và điều này rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ có kế hoạch gặp gỡ với các ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp FDI để chia sẻ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế chính sách, góp ý cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về những việc phải làm trước mắt và trong tương lai để tiếp tục phát triển.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải tiếp tục rà soát, hằng tháng báo cáo những vướng mắc về thể chế để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi như vấn đề: miễn thuế trước bạ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, miễn thuế VAT cho doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế, phí, lệ phí; giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đất đai, thủ tục, giấy phép và điều này rất cần có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, khi sửa đổi các luật, các quy định mới liên quan đất đai, môi trường và khi ban hành đều có sự đóng góp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.

Đặt câu hỏi cần có những giải pháp gì để đất nước tăng trưởng 2 con số, Thủ tướng nêu rõ, các địa phương, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, doanh nghiệp FDI phải đồng bộ cùng tăng trưởng và phải phân tích kỹ, đánh giá ứng phó tình hình hiện nay như thế nào khi có kịch bản xấu xảy ra.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, đất nước đang triển khai quyết liệt một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân; tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh khai thác các không gian phát triển mới như không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ; thúc đẩy tăng trưởng GDP; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị trong các việc lớn này các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng cho biết, ông đã đề nghị tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao, tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao, tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn.

Thủ tướng Chính phủ mong lãnh đạo các doanh nghiệp từ thực tiễn, kinh nghiệm, thành công, với đam mê, nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, mạnh dạn đóng góp ý kiến với tinh thần chân thành, thẳng thắn, tất cả vì sự phát triển của đất nước, vì sự ấm no hạnh phúc của nhân dân.

Các doanh nghiệp lớn cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong

Tại hội nghị Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay có hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng năm 2024, có trên 233 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay.

Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG phát biểu ý kiến tại hội nghị

Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG phát biểu ý kiến tại hội nghị

Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân nói riêng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Các doanh nghiệp lớn cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế; phát huy vai trò “doanh nghiệp dẫn đầu”, chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị.

Các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế; tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc.

Về phía các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Tăng cường tham gia đối thoại, kịp thời theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hiệp hội, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp thành viên, nhất là trong các vụ kiện thương mại, phá giá; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối đầu tư kinh doanh.

Vũ Khuyên/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-thuong-truc-chinh-phu-gap-go-doanh-nghiep-post1153753.vov
Zalo