Thủ tướng chủ trì Hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3

Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3... Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo 26 tỉnh, thành phố.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Bão số 3 (Yagi) là cơn bão lịch sử với cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, gây mưa lớn tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, gây hậu quả nặng nề về người và tài sản, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân.

Hội nghị đã tiến hành đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của toàn hệ thống chính trị tập trung ứng phó với bão lũ, sự phối hợp giữa các lực lượng, các bộ, ngành, việc huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp, tinh thần đại đoàn kết, phát huy mạnh mẽ.

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, rút ra các bài học kinh nghiệm, đồng thời kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành một số vấn đề như: Nâng mức hỗ trợ và mở rộng theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng để khôi phục sản xuất, kinh doanh; giảm hoặc lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội; hỗ trợ các phương tiện tàu thuyền bị đắm; rà soát lại, điều chỉnh lại các tiêu chí kỹ thuật hạ tầng...

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Qua trận bão lịch sử này cần rút ra các bài học về dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, có trọng tâm trọng điểm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì Nhân dân, đất nước, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân và Nhà nước lên trên hết, trước hết để huy động tổng lực mọi nguồn lực của xã hội, của Nhà nước, đặc biệt là phương châm 4 tại chỗ cho phòng chống, khắc phục hậu quả. Các ngành, các cấp phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chỉ đạo của cấp trên, tình hình thực tế để chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Coi trọng công tác thông tin truyền thông về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu vẫn là không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói, bị rét, không có chỗ ở; các cháu học sinh sớm tới trường, bệnh nhân được chữa bệnh; nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện và 06 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ. Yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương từ nguồn ngân sách dự phòng, bảo đảm phù hợp và công bằng giữa các địa phương. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, khắc phục hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông.

Bộ Tư pháp cùng các bộ liên quan rà soát, hoàn thiện thể chế, mà cụ thể là các nghị định, thông tư có các quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp để khắc phục hậu quả bão lũ, hoàn thành trong tháng 10/2024. Bộ Quốc phòng và các cơ quan hoàn thiện các tổ chức, nguồn nhân lực theo Luật Phòng thủ dân sự.

Với các gia đình bị mất nhà cửa, phải xây dựng lại, các địa phương, bộ ngành liên quan phải hoàn thành xong chậm nhất vào 31/12/2024 với vách cứng, nền cứng, mái cứng. Nhân đây, Thủ tướng biểu dương các cơ quan, đơn vị và địa phương đã triển khai rất nhanh việc xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân Làng Nủ, huyện Bảo Yên và bản Nậm Tông, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai…

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành khắc phục cơ sở trường học, bệnh viện, trạm xá trong tháng 10/2024, thiếu cơ chế, chính sách thì đề xuất Chính phủ. Rà soát, thực hiện đầy đủ các chính sách với các đối tượng bị tác động.

Cùng với đó, rà soát, sơ kết, đề xuất thi đua khen thưởng với những người hy sinh, những tập thể, cá nhân làm tốt, các điển hình tiên tiến, chậm nhất trong tháng 10/2024; xử lý những tập thể, cá nhân làm không tốt, không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí vi phạm pháp luật.

Các bộ ngành, địa phương đề xuất các nhiệm vụ quản lý nhà nước, rà soát, đánh giá, có chương trình, dự án lâu dài phòng chống sạt lở, thiên tai.

Riêng với cầu Phong Châu bị sập, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng tỉnh Phú Thọ phải xây dựng lại xong chậm nhất trong năm 2025, nếu cần cơ chế, chính sách thì báo cáo Chính phủ./.

Phương Thảo

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-rut-kinh-nghiem-cong-tac-phong-chong-va-khac-phuc-hau-qua-bao-so-3-post66314.html
Zalo