Ông lớn bán lẻ mở mô hình siêu thị kiểu mới, nhắm vào thế hệ gen Z

Thị trường bán lẻ hiện đại những tháng cuối năm càng sôi động hơn với sự xuất hiện của các siêu thị mới của những 'ông lớn' bán lẻ Việt Nam và nước ngoài.

Mới đây tại quận 8, Saigon Co.op đưa vào hoạt động siêu thị Co.opmart Phạm Thế Hiển, tập đoàn Aeon Việt Nam cũng khai trương siêu thị Aeon Tạ Quang Bửu… Điểm đặc biệt là các siêu thị này đều nằm trong trung tâm thương mại hay khu dân cư của các nhà đầu tư bất động sản.

GenZ sẽ là "thượng đế" của các các nhà bán lẻ

Lãnh đạo Saigon Co.op cho biết, tại quận 8 có siêu thị Co.opmart hình thành 12 năm, đây là mô hình mang tính truyền thống.

Qua nghiên cứu khu vực này, hiện nay đơn vị mở ra mô hình mới đáp ứng theo xu hướng thị trường. Đó là quy mô nhỏ hơn, nằm trong khu phức hợp chung cư phục vụ cho nhu cầu thật sự thiết yếu cho cụm cư dân này. Mô hình này mang tính chất đi sâu hơn với các khái niệm “sống mới” cung cấp sự lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, Co.opmart Phạm Thế Hiển được phát triển theo mô hình tinh gọn về diện tích với 2.500m2 so với các siêu thị trong cùng hệ thống. Đồng thời, thí điểm mô hình mới tươi trẻ hơn thông qua đổi mới sáng tạo, tiếp cận nhiều hơn với GEN Z, khách hàng trẻ.

Theo đó, tại khu vực này người dân mua sắm từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến nấu chín đến đồ chơi trẻ em… còn trải nghiệm những tiện ích như mua đá viên, giao bình nước uống 19 lít miễn phí đến từng căn hộ với đơn hàng chỉ từ một bình.

Siêu thị mở cửa sớm phục vụ bữa sáng cho học sinh, sinh viên, dân công sở và đóng cửa trễ để người dân mua sắm sau khi tan làm.

Tương tự, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, Aeon Tạ Quang Bửu nằm trong trung tâm thương mại (TTT) Parc Mall sẽ trở thành điểm đến mua sắm toàn diện cho các gia đình trẻ, thế hệ gen Z tại quận 8 và khu vực xung quanh.

Theo đó, bên cạnh đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu hàng ngày của gia đình, nơi đây còn có máy làm đá khô, tủ giữ đồ thông minh, đặc biệt là hoàn thuế VAT cho du khách khi đến Việt Nam du lịch mua sắm.

 Bên cạnh máy làm đá khô, khách hàng trẻ trải nghiệm tủ giữ đồ thông minh. Ảnh: T.U

Bên cạnh máy làm đá khô, khách hàng trẻ trải nghiệm tủ giữ đồ thông minh. Ảnh: T.U

Bài toán về giá thuê mặt bằng trong các trung tâm thương mại

Mặc dù các siêu thị đang có nhiều đổi mới, tuy nhiên giá thuê mặt bằng ở các TTTM cao là rào cản trong việc mở mới các điểm bán.

Theo ông Furusawa Yasuyuki, hơn 10 năm phát triển tại thị trường Việt Nam hầu như các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị nằm trong trung tâm mua sắm Aeon.

Hiện nay Aeon tích cực tìm kiếm cơ hội mở mới điểm bán nằm bên ngoài. Các nhà đầu tư bất động sản địa phương nhìn thấy định hướng này tìm đến, Aeon cũng tận dụng cơ hội phù hợp để hợp tác phát triển mạng lưới bán lẻ.

Lãnh đạo Aeon Việt Nam thừa nhận giá thuê mặt bằng tại TTTM đang rất cao. Tuy nhiên, Aeon đang nổ lực tìm kiếm những địa điểm phù hợp trong khả năng và điều kiện để phát triển.

Mặt khác, ông Furusawa Yasuyuki cho biết, đối với các TTTM có siêu thị Aeon thường thu hút lượng lớn khách hàng đến vui chơi mua sắm. Bên cạnh đó, khách hàng chọn mua hàng hóa ở các khu vực khách thuê của TTTM, đây là điểm tích cực có sự hiện diện Aeon.

"Do đó, nhà đầu tư của các TTTM nếu có giảm giá thuê cho Aeon, bù lại có thể thu được chi phí từ các khách thuê khác. Mong các DN bất động sản cân nhắc điều này để hai bên hợp tác cùng có lợi"- ông Furusawa Yasuyuki nhắn nhủ.

Đồng thời, trong chiến lược dài hạn tập đoàn Aeon xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai sau Nhật Bản trong phát triển kinh doanh.

Aeon sẽ tăng tốc phát triển mạng lưới và mở mới các điểm bán từ đó gia tăng các “điểm chạm” với khách hàng.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết, thời gian qua thị trường bán lẻ Việt Nam có phần ít sôi động do ảnh hưởng của những ngành liên quan như bất động sản tạo nên sự chựng lại trong việc mở những điểm bán vật lý mới của các nhà bán lẻ. Việc mở rộng mạng lưới đều rất hạn chế, đặc biệt điểm bán quy mô lớn.

Ngoài ra, hiệu quả vận hành của các DN bán lẻ vẫn chưa đạt được mức độ cao. Số lượng đơn vị có được lợi nhuận trước thuế dương tại thị trường Việt Nam rất hiếm hoi.

Đối với các chuỗi cửa hàng nhỏ cũng khó khăn vì những ngành công nghiệp phụ trợ khác không tạo nên được những hợp lực. Trong đó bất động sản giá thuê mặt bằng vẫn cao, logictics và cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện, đẩy chi phí tăng cao.

“Tuy nhiên, công ty nghiên cứu thị trường AT Kearney (Mỹ) đánh giá Việt Nam một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn tại Châu Á”- ông Đức nói.

Giá cả một số hàng thiết yếu có xu hướng tăng

Theo lãnh đạo Aeon Việt Nam cho biết, tám tháng đầu năm 2024 tình hình kinh doanh tăng trưởng 15% so với năm ngoái.

Những tháng cuối năm chúng tôi chưa lạc quan về kết quả kinh doanh. Giá cả một số hàng thiết yếu có xu hướng tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với hàng hóa không thiết yếu.

Về triển vọng năm 2025 chưa thể nói được nhiều nhưng Aeon nổ lực mang đến dịch vụ mới, sản phẩm mới trải nghiệm mới, giá trị mới cho khách hàng.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ong-lon-ban-le-mo-mo-hinh-sieu-thi-kieu-moi-nham-vao-the-he-gen-z-post812361.html
Zalo