Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh kỷ cương, nâng cao trách nhiệm, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Ngày 12/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 63/CĐ-TTg về việc chấn chỉnh kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm, khắc phục những hạn chế, nhằm tạo dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, hiệu quả và thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Công điện nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy đối thoại công - tư và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.

Mục tiêu là đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp trong bối cảnh phát triển mới, đồng thời hướng tới mức tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, và đạt mức hai con số trong các năm tiếp theo theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.

Theo Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, môi trường kinh doanh ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực: thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được duy trì ở mức cao; minh bạch thông tin cải thiện rõ nét; thủ tục gia nhập thị trường ngày càng thuận lợi; chất lượng lao động có bước tiến; tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng mạnh; đặc biệt là cam kết về tăng trưởng xanh được hiện thực hóa thông qua tỷ lệ đầu tư xanh gia tăng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, PCI 2024 cũng cho thấy một số tồn tại cần khắc phục: chi phí không chính thức có xu hướng quay trở lại; tính năng động của chính quyền địa phương giảm sút; tiếp cận đất đai gặp nhiều khó khăn; quy mô hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19; doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới từ biến động kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu nội dung Báo cáo PCI và PGI để đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành. Đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, phải chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp bị yêu cầu chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính.

Rà soát và vận hành thực chất các đường dây nóng nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, đặc biệt là liên quan đến chi phí không chính thức, theo đúng quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP.

Triển khai quyết liệt các giải pháp theo Nghị quyết số 66/NQ-CP về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn 2025 - 2026 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiếp tục đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu như: thuế, hải quan, xây dựng, môi trường, điện năng,... Đồng thời, triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nội địa nâng cao năng lực sản xuất, kết nối với doanh nghiệp FDI để hình thành chuỗi cung ứng bền vững.

Đẩy mạnh đào tạo kỹ thuật chuyên môn, kỹ năng quản lý thông qua hợp tác với các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề và doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho lực lượng lao động.

Tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp thao túng, trục lợi chính sách hoặc làm tha hóa cán bộ, công chức.

Cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cùng VCCI và các bộ, ngành liên quan, đề xuất nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/thu-tuong-chinh-phu-yeu-cau-chan-chinh-ky-cuong-nang-cao-trach-nhiem-kien-tao-moi-truong-kinh-doanh-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-317849.html
Zalo