Thủ tướng Bayrou: Nợ công hiện là 'mối nguy hiểm chết người' với Pháp

Thủ tướng Pháp François Bayrou vừa công bố loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu quy mô lớn nhằm kiềm chế thâm hụt ngân sách đang gia tăng, với các đề xuất đáng chú ý như bãi bỏ hai ngày lễ quốc gia, hạn chế miễn giảm thuế cho người giàu và cắt giảm biên chế trong khu vực công.

Thủ tướng Pháp Francois Bayrou phát biểu trước Quốc hội ở Paris ngày 14/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Pháp Francois Bayrou phát biểu trước Quốc hội ở Paris ngày 14/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin AFP, trong bối cảnh đối mặt nguy cơ bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm, tương lai chính trị của ông Bayrou hiện phụ thuộc phần lớn vào phản ứng của công chúng và giới lập pháp trước kế hoạch thắt lưng buộc bụng này.

Trong bài phát biểu ngày 15/7, Thủ tướng Bayrou trình bày chi tiết nỗ lực cắt giảm 43,8 tỷ euro từ ngân sách quốc gia, đồng thời cảnh báo rằng nợ công hiện là “mối nguy hiểm chết người” đối với đất nước. Ông nhấn mạnh Pháp đang bước vào “khoảnh khắc sự thật” về tình hình tài chính.

“Đây là điểm dừng chân cuối cùng trước vực thẳm, trước khi chúng ta bị đè bẹp bởi nợ nần”, ông Bayrou phát biểu trước các nghị sĩ, thành viên nội các và báo giới. Nhà lãnh đạo cũng cảnh báo rằng nợ công của Pháp đang tăng với tốc độ 5.000 euro/giây.

“Mặc dù đã muộn, nhưng chúng ta vẫn còn thời gian,” ông Bayrou khẳng định, đồng thời chỉ ra rằng Pháp đã quá phụ thuộc vào chi tiêu công và cần có sự thay đổi quyết liệt.

Thủ tướng Pháp nhấn mạnh bài học từ Hy Lạp – quốc gia từng trải qua cuộc khủng hoảng nợ công sâu sắc hơn một thập kỷ trước, buộc phải nhận các gói cứu trợ quốc tế và thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt trong nhiều năm để phục hồi nền kinh tế.

Các biện pháp cắt giảm mà ông Bayrou đề xuất bao gồm tinh giản biên chế khu vực công, tăng đóng góp từ những người có thu nhập cao, và loại bỏ các ưu đãi thuế liên quan đến chi phí kinh doanh cho người đã nghỉ hưu. Theo kế hoạch, các khoản trợ cấp phúc lợi và khung thuế thu nhập sẽ không được điều chỉnh theo lạm phát trong năm 2026. Ngoài ra, ông cũng đề xuất bãi bỏ hai ngày lễ quốc gia, chẳng hạn như Thứ Hai Phục Sinh và ngày 8/5 – ngày kỷ niệm chiến thắng của Đồng minh trong Thế chiến II và là ngày lễ có ý nghĩa lịch sử quan trọng ở Pháp và nhiều quốc gia châu Âu.

Ông Bayrou nhấn mạnh rằng nợ công quá mức không chỉ là gánh nặng đối với các gia đình và doanh nghiệp, mà còn đe dọa sự ổn định của quốc gia. Việc tiếp tục vay nợ để chi trả lương hưu hay lương công chức, theo ông, là “một ngõ cụt” và vấn đề này cần được xử lý trước khi vượt khỏi tầm kiểm soát.

Thâm hụt ngân sách của Pháp trong năm 2024 đạt 168,6 tỷ euro, tương đương 5,8% GDP – vượt xa mức trần 3% được Liên minh châu Âu quy định. Để đối phó với tình hình này, Thủ tướng Bayrou đã đặt mục tiêu giảm dần thâm hụt xuống còn 5,4% GDP trong năm nay, 4,6% vào năm 2026 và dưới 3% vào năm 2029 – mức trần theo quy định của EU.

Trước đó, Tổng thống Emmanuel Macron đã giao cho ông Bayrou nhiệm vụ vực dậy tài chính công trong khuôn khổ ngân sách năm 2026, sau khi ông Macron bất ngờ triệu tập cuộc bầu cử Quốc hội vào năm ngoái. Cuộc bầu cử khiến cơ cấu lập pháp rơi vào thế chia rẽ, cản trở khả năng kiểm soát chi tiêu và xử lý thâm hụt ngân sách bất ngờ.

Là một chính trị gia theo đường lối trung dung lão luyện, ông Bayrou hiện phải thuyết phục được các đảng phái đối lập trong Quốc hội chấp nhận kế hoạch cắt giảm ngân sách. Nếu không, ông có thể đối mặt với nguy cơ bị lật đổ qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm – kịch bản từng khiến người tiền nhiệm của ông mất chức vào tháng 12 năm ngoái. Cho đến nay, ông Bayrou đã vượt qua tám cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tuy nhiên, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia đã tuyên bố phản đối các biện pháp cắt giảm và kêu gọi tổ chức thêm một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mới nhằm vào chính phủ của ông.

Bảo Hà/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thu-tuong-bayrou-no-cong-hien-la-moi-nguy-hiem-chet-nguoi-voi-phap-20250716163159228.htm
Zalo