Thủ tướng Anh từ chức: Chuyện riêng, hệ quả chung
Bất ổn trong nội bộ đảng cầm quyền không là câu chuyện riêng của Anh khi nó sẽ để lại nhiều hệ lụy sâu rộng trên phạm toàn cầu.
Câu chuyện rúng động chính trường Anh, châu Âu và thế giới những ngày qua là vụ từ chức bất ngờ của vị Thủ tướng tóc vàng đầy cá tính Boris Johnson, sau khi hơn 50 bộ trưởng và quan chức cấp cao dưới quyền ông đã đồng loạt từ chức.
Là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, một đồng minh thân cận của Mỹ và là quốc gia đi “tiên phong” trong liên minh chống Nga nên những bất ổn trong nội bộ đảng Bảo thủ, chính trường Anh hiện nay không còn là câu chuyện riêng của nước Anh nữa, mà đang và sẽ có những hệ lụy sâu rộng trên phạm vi toàn cầu.
Giọt nước tràn ly
Câu chuyện bắt đầu từ cáo buộc quấy rối tình dục của quan chức cấp cao phụ trách kỷ luật đảng Bảo thủ là Chris Pincher đêm 30/6. Sau khi bị báo chí phanh phui và dư luận dậy sóng, ngay sáng hôm sau, ông Pincher đã đệ đơn từ chức.
Ban đầu, như phần lớn người dân Anh, Thủ tướng Boris Johnson chỉ nghĩ đây là chuyện nhỏ so với bao cơn “địa chấn” chính trị ông từng vượt qua trước đó, như vụ scandal tiệc tùng, vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19 tại Văn phòng Thủ tướng cách đây một năm hay vụ bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ đảng Bảo thủ ngày 6/6, tức chỉ trước đó một tháng.
Theo quy định của Đảng bảo thủ, một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nếu có, sẽ chỉ diễn ra một năm sau cuộc bỏ phiếu lần thứ nhất. Như vậy, về lý thuyết, vị trí Thủ tướng của ông Boris Johnson đã “chắc như bàn thạch” trong một năm tới. Tuy nhiên, sóng ngầm trong nội bộ đảng đã nổi lên và đánh đúng vào tử huyệt của ông Johnson.
Ngay sau khi vụ bê bối quấy rối tình dục của ông Pincher bị phanh phui, báo chí và các nghị sĩ chống đối Thủ tướng cáo buộc ông Johnson “nói dối” để bao che việc bổ nhiệm ông Pincher vào vị trí cao cấp, phụ trách kỷ luật của đảng Bảo thủ, dù ông này đã vướng cáo buộc tương tự năm 2011 và 2017.
Mở đầu là Bộ trưởng Y tế Sajid Javid và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, chỉ trong hai ngày 6 và 7/7, đồng loạt 50 bộ trưởng và quan chức cấp cao của chính quyền đã từ chức. Điều này đã giáng đòn nghiêm trọng vào uy tín của ông Johnson, đồng thời khiến chính trị gia này không thể kiếm được nhân sự thay thế và buộc ông phải từ chức.
Việc từ chức tập thể để phản đối người đứng đầu chính phủ và buộc Thủ tướng đương nhiệm ra đi là điều hiếm có trong nền chính trị hiện đại Anh. Tiền lệ gần nhất xảy ra từ năm 1931 dưới thời Chính phủ Công đảng của Thủ tướng Ramsay MacDonald. Tuy nhiên, khi đó nước Anh chịu tác động nặng nề của cuộc Đại suy thoái kinh tế 1929-1933.
Lịch sử Đảng Bảo thủ từ thời bà Margaret Thatcher đến nay cho thấy nếu Thủ tướng đương nhiệm bị chính đảng yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm, người đó tại vị không quá một năm.
Sâu xa hơn, ngay trước vụ “scandal Pincher”, đảng Bảo thủ đã mất hai ghế nghị sĩ bầu cử địa phương cuối tháng Sáu vừa qua, một thuộc khu vực bỏ phiếu truyền thống của đảng Bảo thủ và một tại khu vực đảng Bảo thủ vừa giành từ tay Công đảng trong bầu cử trước đó. Điều này khiến nhiều nghị sĩ bảo thủ bất an, cho rằng nếu không sớm thay ông Boris Johnson bằng lãnh đạo mới thì khả năng đảng Bảo thủ đại bại trong bầu cử toàn quốc cuối năm 2024/đầu năm 2025 là điều khó tránh.
Hệ lụy toàn cầu
Tuy uy tín của ông Johnson ở trong nước và nội bộ đảng Bảo thủ sụt giảm, nhưng “bù lại”, ông là người “năng nổ” trên mặt trận đối ngoại, cụ thể là: ông không ngại đối đầu trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin; ông tích cực xây dựng liên minh phương Tây chống Moscow; và Anh luôn đi đầu trong hỗ trợ Ukraine, dù trong lĩnh vực kinh tế, ngoại giao hay quân sự.
Ngay khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bay đến Kiev, trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky. Chuyến đi Ukraine thứ hai diễn ra trước khi ông Johnson từ chức chưa đầy ba tuần.
Trái với thái độ có phần “lừng khừng” của những nước lớn khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Anh là nước phương Tây viện trợ cho Ukraine nhiều thứ hai chỉ sau Mỹ, với tổng viện trợ cam kết hơn 4,5 tỷ USD, trong đó có 2,8 tỷ USD viện trợ quân sự. Từ năm 2015, Anh đã giúp huấn luyện 22.000 binh sĩ Ukraine, viện trợ hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon và hơn 6.000 tên lửa cho Kiev. Tại Ukraine, ông Johnson được mến mộ đến mức nhiều thành phố, trong đó có thủ đô Kiev, đã lấy tên ông để đặt tên cho các tuyến phố.
Điều phương Tây và Ukraine lo ngại là sự ra đi của ông Johnson có thể làm suy yếu sự thống nhất của phương Tây trước thử thách khắc nghiệt nhất khi xung đột Nga - Ukraine chưa thấy hồi kết, cùng hệ lụy ngày càng nghiêm trọng.
Sự thất bại của ông Johnson, xét cho cùng, là “sự trừng phạt” của cử tri Anh về thành tích kinh tế kém cỏi gần đây. Theo dự báo, lạm phát của Anh năm nay sẽ ở mức 11%, cao nhất trong 41 năm qua, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đứng cuối cùng trong các nước G7. Với cơn bão giá, khủng hoảng lương thực, năng lượng và lạm phát đang “quần thảo” các nước phương Tây, vấn đề không phải là khi nào, mà là các “nạn nhân” tiếp theo sẽ “rơi rụng” như thế nào.
(Bài viết phản ánh quan điểm cá nhân)