COP29 đạt thỏa thuận tài chính khí hậu và tín chỉ Carbon toàn cầu
Dù đạt được các thỏa thuận vào phút chót nhưng Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) chỉ là bước tiến nhỏ trong nỗ lực ngăn chặn thảm họa khí hậu toàn cầu.
Cam kết 300 tỷ USD mỗi năm chống biến đổi khí hậu
Sau các cuộc đàm phán “thâu đêm” kéo dài đến sáng 23-11 tại Thủ đô Baku, Azerbaijan, COP29 đã hoàn tất tuyên bố chung và thông qua các điều khoản quan trọng của thỏa thuận khí hậu toàn cầu này. Theo đó, một trong những cam kết quan trọng nhất là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia giàu có khác nhất trí tăng mục tiêu tài chính khí hậu toàn cầu từ 250 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm. Mức tiền 300 tỷ USD mỗi năm này sẽ chỉ đạt được vào năm 2035. Số tiền này sẽ được chuyển đến các quốc gia nghèo đói và dễ bị tổn thương để giúp họ đối phó với thời tiết cực đoan ngày càng khắc nghiệt và chuyển đổi nền kinh tế sang năng lượng sạch. Con số này tăng so với mức 100 tỷ USD hiện do các quốc gia giàu có cung cấp theo một cam kết sắp hết hạn, cũng như cao hơn so với mức 250 tỷ USD được đề xuất trong dự thảo thỏa thuận hôm 22-11.
Ngoài tăng mục tiêu tài chính toàn cầu từ 250 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035, gần 200 nước tham gia COP29 cũng đạt được thỏa thuận về các quy tắc cho một thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Thỏa thuận tạo ra sự cân bằng phù hợp cho một bộ quy tắc rõ ràng để đảm bảo tính toàn vẹn và minh bạch mà không hạn chế khả năng tham gia của các quốc gia sẽ thúc đẩy giao dịch tín chỉ carbon. Theo dự kiến, hệ thống giao dịch tập trung của Liên hợp quốc (LHQ) sẽ được triển khai sớm nhất vào năm tới. Giá trị của thị trường giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu do LHQ hậu thuẫn có thể lên tới 250 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được các mục tiêu về khí hậu nhưng kết quả hôm nay giúp chúng ta tiến gần hơn một bước đáng kể”. Ông Biden cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc thúc đẩy các hành động chống biến đổi khí hậu, bất chấp sự hoài nghi về vấn đề khí hậu của người kế nhiệm ông là Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Chung quan điểm trên, Bộ trưởng Năng lượng Anh Ed Miliband đánh giá thỏa thuận đạt được giữa gần 200 quốc gia tại COP29 là “thỏa thuận quan trọng vào phút chót cho khí hậu”. Ông nhận định, nếu khoản tài chính 300 tỷ USD mỗi năm này được các nước đang phát triển sử dụng đúng cách, nó có thể giúp giảm thiểu lượng khí thải tương đương với 1 tỷ xe ô tô và có thể bảo vệ gần 1 tỷ người khỏi tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông Miliband cho rằng thế giới “vẫn còn nhiều việc phải làm” nếu muốn ngăn chặn thảm họa khí hậu. Ông khẳng định Anh sẽ duy trì hợp tác với các quốc gia khác trước khi COP30 diễn ra tại Brazil.
Thỏa thuận “chưa đủ tham vọng”
Tuy nhiên, số tiền 300 tỷ USD như cam kết tại COP29 vẫn thấp hơn rất nhiều so với con số 1,3 nghìn tỷ USD mà các nước đang phát triển lâu nay khẳng định là cần thiết để giúp họ đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Các nước này cho rằng kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu ở châu Âu vào thế kỷ XVIII - thời điểm con người bắt đầu sử dụng liệu hóa thạch với số lượng lớn, các nước giàu đã góp phần nhiều nhất phát thải dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trong khi đó, hậu quả của biến đổi khí hậu thì lại đang chủ yếu tàn phá các nước nghèo và các nước đang phát triển. Chính vì thế, các nước đang phát triển cho rằng không chỉ cần giảm lượng phát thải, các nước giàu còn cần phải đóng góp tài chính hỗ trợ quá trình chuyển đổi của các nước đang phát triển khỏi nhiên liệu hóa thạch để hướng tới con đường phát triển bền vững. Đây có thể coi là trách nhiệm đạo lý toàn cầu của các nước giàu với quá khứ tàn phá khí hậu.
Đánh giá về thỏa thuận tài chính khí hậu vừa đạt được tại COP29, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng “chưa đủ tham vọng”. Ông Guterres kêu gọi các quốc gia coi đây là nền tảng để xây dựng các cam kết khí hậu tiếp theo, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải “tuân thủ đầy đủ và đúng hạn” thỏa thuận này. Ông nói: “Các cam kết phải nhanh chóng được hiện thực hóa. Tất cả các quốc gia phải cùng nhau đảm bảo thực hiện điều cao nhất của mục tiêu mới này”. Bà Tina Stege, phái viên về khí hậu của Quần đảo Marshall, than phiền: “Chúng tôi sẽ chỉ nhận được một phần nhỏ trong số tiền tài trợ mà các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu đang rất cần. Số tiền này không đủ, nhưng đây là một khởi đầu”.
Trong diễn biến khác trước đó, hơn 300 nhóm hoạt động đã gửi thư đến Nhóm G77 gồm các quốc gia đang phát triển và Trung Quốc, nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi các bạn hãy đứng lên vì người dân Nam Bán cầu và chúng tôi nhấn mạnh: không có thỏa thuận nào ở Baku còn tốt hơn một thỏa thuận tồi”. Bức thư trên có chữ ký của các đại diện của tổ chức quốc tế chống đói nghèo ActionAid, Tổ chức Ân xá quốc tế, công ty kiểm toán CAN International, tổ chức thiện nguyện Christian Aid và 350.org. Ông Obed Koringo, một nhà hoạt động người Kenya thuộc tổ chức CARE, nhấn mạnh rằng đối với các quốc gia châu Phi “không có thỏa thuận còn tốt hơn là một thỏa thuận tồi”.
Ngoài tranh cãi về tài chính, một nội dung khác cũng được quan tâm tại COP29 là việc liệu các quốc gia có nên khẳng định lại cam kết đưa thế giới thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch hay không. Theo Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Haitham Al-Ghais, các cuộc đàm phán về sự nóng lên toàn cầu nên tập trung vào vấn đề cắt giảm khí thải, chứ không phải việc lựa chọn nguồn năng lượng. Ông Al-Ghais cho rằng các chính phủ trên thế giới, vốn đã nhất trí hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp tại COP21 diễn ra ở Paris (Pháp) vào năm 2015, có thể đạt được các mục tiêu khí hậu của mình mà không cần phải xa lánh dầu mỏ, vì trọng tâm của Thỏa thuận Paris là giảm lượng khí thải, chứ không phải chọn nguồn năng lượng.
Trong khi đó, ông Mohamed Hamel, Tổng thư ký Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF), một nhóm các quốc gia xuất khẩu khí đốt, cũng bày tỏ ủng hộ nhiên liệu hóa thạch. Ông Hamel lưu ý rằng khi dân số thế giới tăng lên, nền kinh tế mở rộng và điều kiện sống của người dân được cải thiện, thế giới sẽ cần nhiều khí đốt tự nhiên hơn, chứ không phải ít hơn. Ông cũng bày tỏ hy vọng một thỏa thuận tại COP29 về tài chính khí hậu quốc tế sẽ cho phép hỗ trợ các dự án khí đốt tự nhiên để giúp các quốc gia chuyển đổi khỏi nhiên liệu bẩn hơn như than đá. Tổng thư ký GECF nhận định kết quả của COP29 sẽ tạo điều kiện tài chính cho các dự án khí đốt tự nhiên và phát triển các công nghệ sạch hơn như thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon, khẳng định điều này sẽ góp phần đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng toàn diện và có trật tự để không ai bị bỏ lại phía sau.