Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: 'Tiếng Anh không phải là danh hiệu'
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tiếng Anh là để nâng cao năng lực ngôn ngữ, và tiếng Anh phải được xem là ngôn ngữ thứ hai trong các nhà trường, không phải danh hiệu.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của đề án đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Ảnh: Moet.
Ngày 23/4, tại Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Đề án “Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn 2045”.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tiếng Anh là để nâng cao năng lực ngôn ngữ, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong các nhà trường, không phải danh hiệu.
Theo đó, ông đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên chủ động xây dựng đội ngũ, chương trình, cơ sở vật chất và phối hợp với các Sở GD&ĐT để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo nhu cầu.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, phù hợp với xu hướng học tập và làm việc trong thời đại mới.
Theo ông, ban soạn thảo đã khẩn trương xây dựng dự thảo đề án theo hướng bài bản, đột phá nhưng đảm bảo tính khả thi. Ông cũng đề nghị các đại biểu đóng góp giải pháp thực tiễn, khoa học, đáp ứng mục tiêu và lộ trình đề ra.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò then chốt của đội ngũ giáo viên trong triển khai đề án. Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn khẳng định việc bồi dưỡng và nâng cao trình độ giáo viên là điều kiện tiên quyết. Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động thực tập, trao đổi sinh viên, mở câu lạc bộ và hội thảo chuyên đề có sự tham gia của giảng viên quốc tế.
Phân tích về các vấn đề liên quan đến nội dung, nội hàm, mục tiêu của dự thảo đề án, GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngành Toán học, nêu một số lưu ý về nâng cao năng lực giáo viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh, chi phí thực hiện, công tác truyền thông.
Trong khi đó, TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng một số điểm mấu chốt là cần tập trung thực hiện gồm rà soát tổ chức bồi dưỡng năng lực đội ngũ; bồi dưỡng năng lực dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ cho giáo viên các cấp, bao gồm giáo viên Tiếng Anh. Giáo viên các môn học khác cũng cần được bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành phù hợp với nội dung giảng dạy.