Những 'chiến binh' đạp núi đến trường: Chuyện Chủ tịch xã đưa trò trở lại lớp

Chủ tịch xã không ngại gõ cửa từng nhà vận động học trò, con đường học vấn nơi đây vẫn đang được thắp sáng từng ngày...

Chủ tịch xã Trung Lý thường xuyên vào tận các bản sâu để tuyên truyền cho bà con không để con em bỏ học.

Chủ tịch xã Trung Lý thường xuyên vào tận các bản sâu để tuyên truyền cho bà con không để con em bỏ học.

Những đứa trẻ ở các bản làng khác nhau, một đứa vừa hết học kỳ lớp 1, đứa đang học dở lớp 6 hay chuẩn bị kết thúc năm cuối cấp 1… vì hoàn cảnh mà không thể tiếp tục đến trường. Nhưng tất cả các em chưa bao giờ muốn bỏ học.

Mỗi đứa trẻ bỏ học là một câu chuyện

5 giờ sáng, ông Ngân Văn Lon - Chủ tịch xã Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đã leo lên chiếc xe máy cũ, vượt núi, vượt sông để vào bản Tà Cóm. Ở đây, có 1 đứa trẻ tội nghiệp vừa phải dừng lại giấc mơ con chữ. Tà Cóm là bản xa nhất của xã, từ trung tâm vào bản phải mất nhiều giờ đồng hồ đi men theo các vách núi dựng đứng và phải vượt qua sông Mã bằng đò.

Đứa trẻ này ở cùng người bà bị mù, bố mẹ đi làm ăn xa. Dù không muốn bỏ học, thế nhưng em đã phải dừng lại giấc mơ con chữ khi chưa học hết cấp 1. “Con có đi học thì mới không lặp lại cuộc đời khổ cực như bố mẹ. Con thiếu sách, thiếu vở, thiếu quần áo, bác sẽ cho còn gạo thì Nhà nước hỗ trợ rồi”, ông Ngân Văn Lon nói với đứa trẻ. Sau những lời động viên, đứa trẻ ở bản Tà Cóm đã hứa với ông Chủ tịch xã, đầu năm học tới nhất định sẽ ra lớp học lại.

Đây không phải lần đầu ông Lon đi vận động học sinh đến lớp. Suốt nhiều năm giữ chức Chủ tịch xã, năm nào ông cũng vượt hàng chục km, qua những cánh rừng, đoạn lầy, khúc cua tay áo và những còn dốc dài trơn trượt để đến các bản làng - nơi những đứa trẻ đang có ý định rời bỏ con chữ. Có lần, ông cùng giáo viên cắm bản băng rừng, nhiều ngày chỉ đến nhà 1 học sinh để động viên bằng được bố mẹ cho đứa trẻ này được tiếp tục đến trường.

“Cho con đi học là cho con cơ hội thoát nghèo, chứ làm nương mãi thì bao giờ mới khá lên được?”, ông Lon nói. Ba ngày thuyết phục, đến ngày thứ 4 thì ông bố đã dắt tay con ra lớp học.

“Có gia đình, khi chúng tôi đến vận động, họ bảo ‘chịu thôi thầy giáo ạ, nó thích thì đến trường, không thì thôi’. Chính sự thờ ơ của bố mẹ là một trở ngại lớn, và chúng tôi phải rất kiên trì thuyết phục”, Chủ tịch xã Trung Lý chia sẻ.

Một trường hợp mà ông Lon nhớ mãi là em H.T.H. (SN 2012), người Mông, ở bản Tà Cóm, không muốn đến trường học chữ do hoàn cảnh gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn. Bố mẹ H. qua đời sớm, em phải ở với bác ruột và bà nội. H. đã có ý định bỏ học để đi làm nuôi bà nên dù ông và các thầy giáo đến nhà vận động nhiều lần, em vẫn chưa muốn đến trường.

Hai ngày ông Lon kiên trì ở nhà H., kể cho H. nghe về gương những người ở bản Mông đã thành đạt khi theo con chữ. Không còn phải lên nương, cũng sẽ không đói nghèo và phải lấy chồng sớm nữa. Ngày thứ 3, thì H. đeo cặp đến lớp, đôi mắt ánh lên niềm hy vọng.

Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện khác nhau. Có em mồ côi cả bố và mẹ, có em bố nghiện ma túy hay có em lại bị bắt ở nhà lấy vợ, lấy chồng rồi lên nương rẫy… “Những năm trước khi chưa xây dựng đề án về ma túy chuyển từ vùng đỏ thành vùng xanh. Thì rất nhiều hộ gia đình bố mẹ nghiện, đi tù. Những đứa trẻ phải ở nhà chăm sóc em út. Mình phải đến tận nơi, gặp gia đình, nói chuyện thì mới hy vọng các em trở lại trường”, ông Ngân Văn Lon cho biết.

 Ông Ngân Văn Lon (bên trái) đến động viên một học sinh bỏ học.

Ông Ngân Văn Lon (bên trái) đến động viên một học sinh bỏ học.

“Còn một học sinh chưa đến lớp, còn phải bước tiếp”

“Có người bảo việc này là của ngành Giáo dục, không phải việc của Chủ tịch xã. Nhưng tôi nghĩ khác, con chữ là chuyện của cả cộng đồng. Không có cái chữ, thì bao nhiêu chính sách cũng chẳng đến được với người dân”, ông Lon chia sẻ.

Những năm gần đây, nhiều bản làng của Trung Lý, tình trạng trẻ bỏ học đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vào những dịp sau Tết hoặc sau kỳ nghỉ hè dài, vẫn còn diễn ra một vài trường hợp. Nhìn danh sách học sinh chưa ra lớp, ông Lon lại lên đường với những bữa cơm ăn tạm bên suối, dưới gốc cây. “Nhìn học trò bỏ học mà không làm gì thì tôi không yên lòng. Còn một học sinh chưa đến lớp, còn phải bước tiếp”, ông nói.

Không chỉ đến từng nhà học sinh bỏ học vận động trở lại lớp, để ngăn chặn ý nghĩ cho con nghỉ học giữa chừng, xã Trung Lý đã phối hợp với các đơn vị như biên phòng, công an… tổ chức nhiều lớp học xóa mù tại các bản, thông qua lớp học này sẽ lồng ghép tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền việc cho con cái đến trường, không tảo hôn…

Không có ánh đèn máy quay, cũng chẳng ai tường thuật trực tiếp, nhưng hành trình bền bỉ của ông Chủ tịch xã nơi rẻo cao đang lặng lẽ níu giữ giấc mơ cho rất nhiều đứa trẻ. Và biết đâu, trong số ấy, một ngày nào đó, sẽ có em trở thành thầy giáo, bác sĩ, hay… một chủ tịch xã - tiếp tục đi những con đường gập ghềnh để nối dài con chữ giữa đại ngàn.

Trên đỉnh núi mù sương nơi biên viễn, hành trình tìm con chữ chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng bằng ý chí bền bỉ của những đứa trẻ băng rừng tới lớp, khát vọng đổi đời của thầy giáo từng bị ép tảo hôn, và tấm lòng của ông Chủ tịch xã không ngại gõ cửa từng nhà vận động học trò, con đường học vấn nơi đây vẫn đang được thắp sáng từng ngày - lặng lẽ nhưng đầy hy vọng.

Toàn xã Trung Lý hiện có 4 trường gồm: Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý, Tiểu học Trung Lý 1, Tiểu học Trung Lý 2 và 1 trường mầm non. Cơ sở vật chất tại các trường đều khang trang, sạch đẹp, đảm bảo cho công tác dạy và học, nên khi tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh cũng phần nào thuận lợi. Đến nay, tỉ lệ học sinh bỏ học trên địa bàn chỉ còn 0,8%.

Nguyễn Thùy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-chien-binh-dap-nui-den-truong-chuyen-chu-tich-xa-dua-tro-tro-lai-lop-post728462.html
Zalo