Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói gì trước loạt tranh cãi chuyện dạy 2 buổi/ngày

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chỉ ra những ưu điểm của việc dạy 2 buổi/ngày, đồng thời nêu các điều kiện để các trường học, địa phương tổ chức kế hoạch này.

 Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu quan điểm về việc dạy học 2 buổi/ngày. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu quan điểm về việc dạy học 2 buổi/ngày. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/4, trả lời câu hỏi về kế hoạch cho học sinh THCS và THPT học 2 buổi/ngày, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nói rằng đây không phải vấn đề mới trong giáo dục. Nhiều quốc gia trên thế giới khi đủ điều kiện cũng đã tổ chức cho trẻ học cả ngày và đạt hiệu quả rất tốt.

Điều kiện để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày

Nói thêm về kế hoạch này, Thứ trưởng Thưởng nhấn mạnh để tổ chức tốt hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, các trường cần đạt đủ một số điều kiện.

Thứ nhất, cơ sở vật chất cần đảm bảo đủ điều kiện để trẻ ở bán trú buổi trưa tại trường, đồng thời cần đủ sân chơi, bãi tập nhằm tổ chức hoạt động giáo dục thể chất và nâng cao những kỹ năng khác.

Điều kiện thứ hai là đủ số lượng giáo viên và điều kiện thứ ba là có chương trình dạy học, hoạt động giáo dục đảm bảo đủ 2 buổi/ngày, đồng thời phải phù hợp với tâm, sinh lý của lứa tuổi học sinh.

Lý giải lý do muốn tổ chức dạy học 2 buổi mỗi ngày ở bậc THCS và THPT, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết trước tiên là nhằm đảm bảo học sinh thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông, tiếp đó là giảm áp lực cho học sinh, đồng thời hình thành cho các em phẩm chất, năng lực và những kỹ năng khác với mục tiêu phát triển toàn diện về đức trí, thể mỹ.

Nhiều năm qua, Việt Nam vẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học. Đặc biệt, kể từ khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc dạy học cả ngày thuận lợi hơn rất nhiều.

Từ năm 2010, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc trung học nhưng với tinh thần khuyến khích những nơi đáp ứng đủ điều kiện. Đến nay, số trường THCS, THPT tổ chức dạy 2 buổi/ngày tăng lên rất nhiều so với 10 năm trước.

"Qua quan sát, theo dõi, chúng tôi thấy rằng ở những nơi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, chất lượng giáo dục toàn diện ở những nơi đó cũng tốt hơn", thứ trưởng nêu, đồng thời thẳng thắn thừa nhận bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn một số bất cập trong việc tổ chức hoạt động này.

Ví dụ, những nơi tổ chức dạy cả ngày đôi khi đang quá chú trọng vào chương trình chính, dành ra thời gian để dạy kiến thức văn hóa nên tạo ra áp lực học tập cho học sinh. Trẻ cũng chưa được dành thời gian để học kỹ năng và những nội dung khác ngoài sách vở.

 Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức rà soát trước khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày ở bậc THCS và THPT. Ảnh: Phương Lâm.

Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức rà soát trước khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày ở bậc THCS và THPT. Ảnh: Phương Lâm.

Sẽ rà soát kỹ trước khi triển khai

Những bất cập nêu trên chính là lý do để Bộ GD&ĐT tổ chức rà soát, đánh giá lại trước khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày. Sau khi có kết quả đánh giá, bộ sẽ có hướng dẫn chung toàn quốc để áp dụng cho từng cấp học.

Ở thời điểm hiện tại, bộ vẫn chưa triển khai bởi bộ muốn các trường cần đáp ứng đủ những điều kiện tối thiểu và cần đảm bảo phù hợp với nhu cầu của học sinh.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT vẫn là nâng cao chất lượng học tập, đảm bảo giảm áp lực cho trẻ nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Bộ cũng mong muốn học sinh được phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện về thể chất, tâm hồn, được phát triển kỹ năng về công dân số, ngoại ngữ, trí tuệ nhân tạo chứ không đơn giản là chỉ học kiến thức phổ thông.

Đáng chú ý, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định kế hoạch triển khai học 2 buổi/ngày phải dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh. Bởi vì khi lên THCS, THPT, học sinh đã có những nhu cầu riêng, định hướng nghề nghiệp cũng đã bắt đầu hình thành.

Ở độ tuổi này, một số trẻ muốn có thêm kiến thức về chuyển đổi số, một số em lại muốn học thêm ngoại ngữ. Nếu nhà trường không có khả năng tổ chức bồi dưỡng những kỹ năng đó, trẻ hoàn toàn có thể tìm học ở những nơi phù hợp, đúng quy định.

"Quan điểm của bộ là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, phụ huynh, đồng thời giảm chi phí cho gia đình học sinh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thu-truong-bo-gd-dt-noi-gi-truoc-loat-tranh-cai-chuyen-day-2-buoingay-post1543790.html
Zalo