Thứ trưởng Bộ Công Thương: Chưa vội bàn tới điều chỉnh tăng trưởng xuất khẩu

Thời điểm này chưa vội để bàn tới chuyện về điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bởi các giải pháp đặt ra để làm sao có thể vượt qua các thách thức và giải pháp để tìm ra những cơ hội mới.

May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Trả lời câu hỏi liên quan đến chiến lược xuất nhập khẩu bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thời điểm này chưa vội để bàn tới chuyện về điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bởi các giải pháp đặt ra để làm sao có thể vượt qua các thách thức và giải pháp để tìm ra những cơ hội mới.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, mới đây, tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rằng: "Chúng ta chưa bàn tới việc điều chỉnh mục tiêu từ xuất khẩu, nhập khẩu, kể cả mục tiêu tổng ngân sách quốc nội (GDP) ở mức 8%, tất cả việc này phải rất bình tĩnh để xử lý một cách tổng thể và toàn diện".

Xung quanh vấn đề này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ thêm, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đặt ra một số chỉ tiêu quan trọng; nhất là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6-7%/năm và tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5-6%/năm trong thời kỳ 2021-2030.

Tại thời điểm này đã đi được nửa chặng đường, về cơ bản chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng vượt khá xa, tăng trưởng xuất khẩu hàng năm đạt 2 con số. Yêu cầu đặt ra trong chiến lược xuất nhập khẩu là đạt cân bằng về cán cân thương mại từ thực tiễn trong giai đoạn trước đây bị thâm hụt thường xuyên cho đến năm 2012 mới khởi sắc.

Theo ông Trần Thanh Hải, giai đoạn vừa qua Bộ Công Thương thực hiện chiến lược này tương đối ổn khi liên tục duy trì cán cân thương mại có sự gia tăng, cụ thể năm 2024 đạt thặng dư 24 tỷ USD. Vì vậy, cơ cấu mặt hàng và thị trường cân đối, hài hòa thể hiện gia tăng tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Đây là mặt hàng đem lại giá trị gia tăng cao, tỷ trọng xuất khẩu cao; trong đó, tỷ trọng này đặt ra là 88%. Hiện nhóm mặt hàng này đang bứt phá đạt chỉ tiêu.

Đề cập đến cơ cấu thị trường trong chiến lược đặt ra vào năm 2025, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Tỷ trọng xuất khẩu vào châu Âu đạt 16-17%, châu Mỹ 32%. Năm 2024, xuất khẩu vào châu Âu chiếm 15,3%, châu Mỹ 33,9% vừa khớp với mục tiêu đặt ra trong chiến lược. Cùng đó, tỷ trọng về nhập khẩu chiến lược đặt ra 8-9% vào châu Âu, châu Mỹ 10-11%, hiện nay chúng ta đang đạt 6% vào châu Âu, 7% châu Mỹ.

Thời gian qua khu vực ASEAN, Đông Á, nhất là khu vực Trung Đông nằm trong khu vực nguồn cung nguyên liệu rất quan trọng cho Việt Nam trong phát triển hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp năng lượng. Nhập khẩu châu Á chiếm tỷ trọng rất quan trọng. Trong thời gian từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh định hướng về cơ cấu.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thu-truong-bo-cong-thuong-chua-voi-ban-toi-dieu-chinh-tang-truong-xuat-khau/368840.html
Zalo