Thu tiền tỷ từ trải nghiệm nặn gốm Bát Tràng
Mô hình du lịch trải nghiệm làm gốm 'Tôi làm nghệ nhân' đã tạo thêm dấu ấn mới cho làng nghề gốm Bát Tràng.
Đây là điểm du lịch yêu thích của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là du khách nhí.
Hào hứng trải nghiệm
Bước chân vào làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), du khách như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác, nơi những bàn xoay không ngừng quay, những lò nung lửa đỏ suốt ngày đêm và những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đang miệt mài tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Nơi đây, những năm qua còn thu hút khách nhờ mô hình du lịch trải nghiệm làm gốm. Du khách có thể tham quan các xưởng gốm, trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất từ khâu nhào đất, tạo hình, trang trí đến khâu nung gốm.
Đến Trung tâm gốm lò Bầu ngay đầu làng Bát Tràng vào một sáng thứ 7 của tháng 11, du khách đã có thể cảm nhận được sức nóng của mô hình này.
Ngay cổng trung tâm, từng tốp khách du lịch quốc tế, xen lẫn các em nhỏ ở một số trường mầm non đang chờ đến lượt vào "Bàn xoay Studio" để nhào nặn gốm.
Bàn Xoay Studio (Trại sáng tác) với tên gọi khác là trải nghiệm "Tôi làm nghệ nhân", là không gian để du khách được tự tay nhào nặn, cho ra những sản phẩm bằng gốm và được nhận thành phẩm mang về ngay tại chỗ.
Chị Lan Anh, một khách quen tại đây cho biết, vào mỗi buổi sáng cuối tuần, chị đều chạy xe rời trung tâm Hà Nội, đưa hai con xuống trải nghiệm mô hình "Tôi làm nghệ nhân" tại lò Bầu. Dù đi nhiều lần, nhưng mỗi lần mẹ con chị lại mang về những sản phẩm khác nhau, niềm vui cứ thế nhân lên.
Tại đây, ba mẹ con được hướng dẫn ngồi vào "Bàn xoay Studio". Suốt quá trình trải nghiệm, họ luôn được các tư vấn viên hướng dẫn tận tình. Chốc chốc mẹ con chị lại nhìn nhau cười phá lên vì những sản phẩm "không giống ai".
Từ những cục đất sét thô sơ ban đầu, trên chiếc bàn xoay, du khách thoải mái vuốt, nặn gốm theo hình thù yêu thích. Những hình thù chiếc cốc, cái bát, cái đĩa… của những "thợ gốm không chuyên" có hình dáng ban đầu méo mó nhanh chóng được hoàn thiện sản phẩm đẹp, ưa nhìn.
Sau công đoạn làm gốm thủ công, sản phẩm được mang đi sấy khô và được chính du khách tự tay tô vẽ theo sở thích.
"Dù chưa biết sản phẩm sau nung sẽ thế nào, nhưng ba mẹ con đều háo hức chờ đợi", chị Lan Anh bày tỏ.
Nơi lưu giữ thời gian
Cũng giống như chị Lan Anh, những du khách đến đây đều mong muốn trải nghiệm và chờ đợi thành quả của mình.
Anh Lương Mạnh Hải, quản lý của Trung tâm gốm lò Bầu cho rằng, đây là điều khác biệt khiến du khách thích thú, khi nghề này vốn dĩ chỉ dành cho nhưng nghệ nhân tay nghề cao, cần tỉ mỉ.
Anh Hải cho biết, mô hình này không phải tiên phong, nhưng lại là nơi thu hút khách tốt nhất trong vùng bởi nơi đây vẫn giữ được lò bầu cổ 100 năm tuổi - cổ nhất, lớn nhất và duy nhất tại Bát Tràng.
Trước đây, tại làng nghề Bát Tràng có khoảng 20 chiếc lò Bầu. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, tại làng nghề Bát Tràng đã xuất hiện nhiều kiểu lò nung khác nhau như lò đàn, lò hộp, lò ga, lò điện... với diện tích nhỏ, tính linh động cao nên những lò lớn đã bị đập bỏ.
Vì thế, hiện đây là chiếc lò duy nhất được gia đình anh Hải giữ lại, và là minh chứng lịch sử duy nhất còn sót lại trong tiến trình phát triển lịch sử nghề gốm truyền thống Bát Tràng.
Bởi vậy, nơi đây là chỗ quen thuộc của các hướng dẫn viên du lịch, các du khách gần xa. Với phí dịch vụ chỉ 50.000 đồng/người/bàn xoay, nếu nung thành phẩm sẽ mất thêm 50.000 đồng nữa, anh Hải cho rằng, mức giá này hợp lý hơn nhiều dịch vụ khác, nhưng lại đưa lại giá trị tinh thần cao khi người trải nghiệm thỏa sức sáng tạo, không giới hạn thời gian.
Hướng tới tính phí thăm quan
Mỗi ngày cuối tuần tiếp hơn 500 lượt khách, ngày thường từ 50-100 lượt khách, anh Hải cho biết, mô hình này đã mang về lượng khách mua gốm lớn cho gia đình anh sau khi việc buôn bán trở nên đại trà và khó khăn.
Xây dựng mô hình từ năm 2013, đến nay việc kinh doanh đã ổn định, mang lại doanh thu 200-300 triệu/ tháng, khoảng 3 tỷ/ năm, anh Hải cho biết, thời gian tới sẽ tu sửa lại lò Bầu để thành một tác phẩm nghệ thuật, hướng tới tính phí để việc thăm quan có giá trị cao hơn. Từ đó, thúc đẩy mô hình "Tôi làm nghệ nhân".
Nghệ nhân Phùng Quang Đăng - người có kinh nghiệm 50 năm trong nghề cho biết, hiện Bát Tràng có khoảng 5 nhà làm mô hình này sau khi có rất nhiều nhà mở lên rồi thất bại. Song, lò Bầu đang có thế mạnh lớn để thu hút khách.
Ông cho rằng, việc tận dụng câu chuyện lịch sử lò Bầu để đẩy mạnh mô hình "Tôi làm nghệ nhân" rất phù hợp. Trước xu thế hội nhập quốc tế, các sản phẩm gốm thủ công vuốt tay dần bị lấn át bởi công nghệ làm gốm hiện đại. Song, sức sống của sản phẩm gốm thủ công vuốt tay vẫn có thị trường riêng.
"Chìa khóa thành công từ chính mô hình du lịch trải nghiệm và mô hình "Tôi làm nghệ nhân" là một dẫn chứng cụ thể", ông Quang Đăng nói.
Lò Bầu được ra đời từ cuối thế kỷ XIX. Đây là lò nung gốm sử dụng củi để đun đốt. Mỗi lò rộng khoảng 1.030m2, dài 15m. Lò có 5 bầu với vòm cuốn liên tiếp tựa như vỏ sò úp nối vào nhau. Sau khi xếp hàng vào lò, các thợ gốm đóng cửa lò lại rồi tiến hành đun trong khoảng 24 tiếng. Để lò nguội mới có thể lấy được sản phẩm ra khỏi lò.