'Thủ phủ' cá khô tất bật vụ Tết

Được coi là một trong những vùng sản xuất khô cá đồng lớn nhất miền Tây Nam bộ, những ngày này, hàng trăm hộ dân ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đang tất bật cho vụ khô cá cuối năm, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Giá khô cá đang tăng cao những ngày gần Tết khiến nhiều người dân vui mừng, tăng thêm sản lượng.

Người dân xã Phú Thọ làm khô cá cuối năm. Ảnh: Đ.Xá.

Người dân xã Phú Thọ làm khô cá cuối năm. Ảnh: Đ.Xá.

Mặc dù được Cục Sở trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận “Khô Phú Thọ” vào năm 2019 và tỉnh Đồng Tháp công nhận là Làng nghề cá khô Phú Thọ (năm 2020) nhưng thực tế, những hộ dân sản xuất khô cá không chỉ tập trung ở xã Phú Thọ mà một số xã lân cận như Phú Ninh, Phú Thành A cũng thu hút khá đông người tham gia sản xuất khô cá. Nguyên nhân bởi khu vực này nằm ở vùng Đồng Tháp Mười và cũng khá gần biên giới Campuchia nên lượng cá nước ngọt tự nhiên dồi dào.

Những ngày này, đi dọc tuyến đường tỉnh lộ 844 qua những địa phương trên là san sát hàng trăm các giàn phơi cá của người dân. Theo ông Bùi Văn Thành (xã Phú Thọ) - một hộ chuyên làm khô cá lóc, nghề làm khô cá có từ vài chục năm trước nhưng quy mô khá nhỏ, sau đó phát triển dần dần và lớn mạnh như hiện nay. “Tôi làm khô cá bán chừng 15 năm nay rồi. Mình làm phục vụ thị trường nên nhiều đơn hàng thì làm nhiều. Tháng này tôi dự kiến làm 4 tấn cá tươi để giao cho bạn hàng. Khô cá lóc thì phơi 3 ngày, khô một nắng thì phơi 1 ngày. Cứ 3kg cá tươi thì được 1kg khô, 2kg cá tươi thì được 1kg khô một nắng” - ông Thành chia sẻ.

Ngoài phần khô cá chỉ làm bằng phần thân, đầu cá lóc cũng rất được ưa chuộng. “Bây giờ đầu cá lóc là đặc sản rồi. Có mối họ chỉ gom đầu rồi cấp đông đem về Cần Thơ, TPHCM bán. Bình thường chỉ có 2 vợ chồng và 1 con gái ở trên Tràm Chim về phụ nhưng tháng Tết phải thuê thêm 2 người nữa. Sơ chế cá rất cầu kỳ và phải làm cho sạch nên tốn nhiều công sức” - ông Thành kể.

Cũng theo ông Thành, dịp Tết năm nay giá khô cá tăng khá nhiều so với năm trước. Hiện khô cá được bán với giá dao động tư 270 - 400 nghìn đồng/kg. Riêng khô lóc đồng loại lớn thì giá trên mức 400 nghìn đồng/kg tùy loại. Với loại khô một nắng thì giá dao động từ 170 - 250 nghìn đồng/kg. Cũng như nhiều loại thực phẩm khác, khô cá ở khu vực này cũng được người dân sản xuất và bảo quản bằng cách đóng gói, hút chân không để dễ dàng vận chuyển, lưu trữ được lâu ngày.

Mùa này thời tiết miền Tây Nam bộ nắng nóng buổi trưa kèm gió nên rất thuận lợi cho nghề làm khô. Dù được coi là “vựa cá đồng” của miền Tây Nam bộ nhưng thực tế phần lớn nguyên liệu làm khô ở đây được nông dân mua từ nguồn cá nuôi trong vùng. Chị Nguyễn Thị Dung (43 tuổi, xã Phú Thọ) - một hộ chuyên sản xuất khô cá sặc cho biết hầu hết sản phẩm của gia đình là cá nuôi, chỉ một phần nhỏ là khô cá đồng.

“Nhà tôi chỉ làm khô cá sặc. Tôi có nhiều mối quen ở trên TPHCM lấy hàng vì họ biết chất lượng sản phẩm của mình. Không phải cứ làm khô bằng cá đồng tự nhiên là ngon. Cá sặc có nhiều loại, riêng loại sặc rằn tôi làm bằng cá nuôi. Cá nuôi nhưng tôi chọn rất kỹ, loại lớn từ 4 - 6 con/kg, đặc biệt phải có trứng nữa. Đó là loại sặc rằn ngon nhất để làm khô vì thịt cá dẻo và trứng rất thơm. Loại này làm khô và một nắng đều được, khách hàng rất thích. Còn cá đồng thì tôi mua sặc xám làm khô nhưng cá khá nhỏ, cũng có khách mua nhưng không nhiều” - chị Dung cho biết.

Theo chị Dung, dịp Tết Ất Tỵ gia đình chị sản xuất hơn 100kg cá tươi mỗi ngày, chủ yếu là sặc rằn (sặc bổi) cỡ lớn. Đây là loại khô cá được khách hàng ưa chuộng hơn cả vì có thể chế biến được nhiều món ăn đặc trưng. Việc lựa chọn nguyên liệu là cá nuôi giúp cho sản phẩm khô có chất lượng đồng đều và đẹp mắt hơn.

Ngoài các loại cá đồng thông thường như cá lóc, cá sặc, cá kèo, cá ba sa… thì hiện nay, một số hộ dân ở khu vực này còn sản xuất khô ếch, khô nhái, khô rắn… để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Thống kê từ chính quyền địa phương cho thấy có khoảng 200 hộ dân tham gia sản xuất khô cá với gần 1.000 lao động tham gia. Một số hộ phát triển và thành lập công ty để tạo thương hiệu riêng và sản xuất với số lượng lớn.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thu-phu-ca-kho-tat-bat-vu-tet-10297852.html
Zalo