Chàng trai về miền Tây trải nghiệm món bánh đúc 50 năm ở bến đò

Thử miếng bánh đúc nóng, Khoai Lang Thang nhận xét bánh mềm, thơm mùi lá dứa lại có màu xanh đậm mà nếu chỉ dùng màu thực phẩm thì sẽ không có được.

Ghé thăm nhà bà Hai ở Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp), YouTuber Khoai Lang Thang (Đinh Võ Hoài Phương) được chứng kiến toàn bộ công đoạn làm món bánh đúc lá dứa mà bà Hai đã làm bán 50 năm qua.

Gia đình bà Hai nhiều đời nay chuyên nghề làm các món bánh truyền thống như bánh đúc, bánh bò, bánh chuối,… Trong đó, món bánh đúc vẫn được bà làm hàng ngày để mang đi bán lẻ ở bến đò.

Từ ngày bà Hai còn nhỏ xíu, bà đã thấy mẹ làm bánh đúc và bản thân bà cũng đã làm bánh đúc 50 năm nay. Chiếc máy xay bột bà đang dùng được mua từ cách đây 65 năm, khi bà mới chỉ 5-6 tuổi.

Nồi bánh đúc lá dứa xanh ngắt, thơm lừng mà bà Hai làm mỗi sáng

Nồi bánh đúc lá dứa xanh ngắt, thơm lừng mà bà Hai làm mỗi sáng

Mỗi sáng, để có một nồi bánh đúc đem bán, bà phải thức dậy từ lúc 3h để chuẩn bị cùng chồng.

Công đoạn đầu tiên là cắt nhỏ lá dứa (lá nếp), cho vào máy xay, xay cùng nước để cho ra nước lá nếp. Gạo tẻ được ngâm từ tối hôm trước, đổ vào để xay cùng nước lá nếp.

Gạo làm bánh đúc phải là loại gạo ngày xưa, trồng dài ngày và nên là gạo cho ra cơm khô, không phải cơm dẻo.

Sau khi nhận được hỗn hợp nước lá nếp và gạo tẻ xay, bà Hai đổ khá nhiều bột năng vào trộn cùng.

Trước khi đổ hỗn hợp vào nồi, bà tráng một lớp dầu ăn dưới đáy nồi để không bị dính. Trong quá trình nấu, lửa phải được giữ riu riu để bánh giữ nguyên màu xanh. Nếu lửa lớn quá, bánh sẽ ngả màu vàng.

Cứ được một lúc, bà Hai lại ra khuấy bánh cho đều. Càng những lần khuấy về sau, bánh lại đặc hơn một chút, sền sệt lại.

Trong lúc đợi bánh chín, bà Hai luôn tay nấu cơm sáng cho cả gia đình.

Đến khoảng 7h sáng, bánh chín, bà đổ bánh ra chiếc bàn, bên dưới lót một lớp nilon. Bánh đang nóng được dàn mỏng.

Trước kia, bánh nóng thường được đổ vào một chiếc khuôn gỗ lớn cho vuông vắn. Nhưng làm lâu quen tay, bây giờ bà Hai chỉ cần dàn đều bằng tay lót nilon.

Trong khi đợi bánh nguội để cắt, bà đi pha nước chấm. Nước chấm bánh đúc lá dứa được làm từ đường, đậu phộng, mè đen.

Để tiện ăn, bà cắt bánh thành từng miếng nhỏ vừa miệng, khi ăn sẽ dùng tăm để xiên. Phần “đặc sản” nhất của nồi bánh đúc là cháy nồi. Gọi là cháy nhưng chỉ là phần bánh dính vào đáy nồi, khi nguội giòn tan.

Nam YouTuber thử món cháy bánh đúc

Nam YouTuber thử món cháy bánh đúc

Thử miếng bánh đúc nóng, Khoai Lang Thang nhận xét bánh mềm, thơm mùi lá dứa lại có màu xanh đậm mà nếu chỉ dùng màu thực phẩm thì sẽ không có được.

Bà Hai chia sẻ, món bánh đúc lá dứa gia truyền của gia đình bà có lẽ sẽ thất truyền khi bà không làm nữa. Con cháu bà không ai theo nghề vì không thể thức khuya dậy sớm được.

Món bánh này bây giờ cũng ít người thích ăn. Nếu như ngày xưa bà bán rất đắt hàng thì bây giờ bán kém hơn hẳn. Mỗi ngày, nếu bán hết bánh, bà sẽ nhận được khoảng 500 nghìn đồng cả vốn lẫn lãi.

Khách ăn bánh cũng chủ yếu là người lớn tuổi, muốn thưởng thức hương vị xưa cũ. Người trẻ giờ có nhiều lựa chọn bánh kẹo hấp dẫn hơn nên không còn mặn mà với bánh đúc. Ngay cả con cháu bà cũng vậy.

YouTuber Khoai Lang Thang kết thúc trải nghiệm của mình với một túi bánh đúc bà Hai tặng để ăn lấy thảo.

Bánh đúc được cắt thành từng miếng nhỏ vừa miệng để bà Hai mang ra bán ở bến đò

Bánh đúc được cắt thành từng miếng nhỏ vừa miệng để bà Hai mang ra bán ở bến đò

Ảnh: Khoai Lang Thang

Đăng Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khoai-lang-thang-ve-mien-tay-trai-nghiem-mon-banh-duc-50-nam-o-ben-do-2356010.html
Zalo