Thư phòng của nhà nghiên cứu 105 tuổi
Phòng làm việc của tác giả 105 tuổi Nguyễn Đình Tư, người hai lần đoạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia, tích lũy những cuốn sách lịch sử, địa lý giàu giá trị phục vụ cho việc nghiên cứu, viết sách.


Phòng riêng của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư ngụ trên tầng hai ngôi nhà nằm trong một con hẻm nhỏ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Đây vừa là không gian làm việc, vừa là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của ông.

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào là phòng rất nhiều sách: Giá sách chiếm gần phân nửa diện tích căn phòng 20 mét vuông. Hàng chồng sách phủ khắp bàn làm việc, "tràn" xuống cả nền nhà.

Bước sang tuổi 105, nhà nghiên cứu vẫn có thể tự chăm sóc bản thân, đi lại, lên xuống cầu thang. Tinh thần minh mẫn, ông ngày ngày đều đặn đọc sách báo, nghiên cứu, viết lách.


Từ bé say mê truyện kể về các danh nhân của đất nước, đến khi cầm bút và xuyên suốt sự nghiệp viết sách của mình, tác giả Nguyễn Đình Tư theo đuổi những chủ đề về lịch sử, địa lý. Do đó, sách mà ông sưu tập chủ yếu để phục vụ cho công việc nghiên cứu, sáng tác.


Ông kể trước đây thường mua sách tại nhà sách Khai Trí, từng mua được một số bộ sách lịch sử rất giá trị. Có một giai đoạn khó khăn, ông mất việc, không còn thu nhập để nuôi sống gia đình, đành đem bán ve chai lấy tiền mua gạo. Ấy cũng là một tiếc nuối của nhà nghiên cứu.

Sau này, khi các con khôn lớn, thành tài, không còn phải mưu sinh bằng nghề sửa xe đạp mà trở lại viết sách, báo, có tiền nhuận bút, ông lại dành dụm mua sách.


Căn phòng không đủ sức chứa toàn bộ số sách nhà nghiên cứu tích lũy qua hàng thập kỷ. Những cuốn đã sử dụng, tra cứu, ghi chép, khai thác xong, ông kể đã tự tay đóng gói, bó lại từng bó, cất ở gác kho. "Tôi nhớ kỹ chi tiết nào cần tìm trong quyển sách nào, do đó khi cần có thể nhanh chóng tìm để tra cứu", ông nói.

Không gian phòng làm việc ưu tiên cho những cuốn sách cần đọc ở hiện tại, phục vụ cho công trình ông đang thực hiện.


Vốn thích tra cứu bằng sách giấy và hầu như không quen được với sách điện tử, nhưng nhà nghiên cứu hiện viết hoàn toàn trên máy tính, nơi ông có thể dễ dàng chỉnh sửa, biên tập, ghi chú bản thảo.

Những "đứa con tinh thần" - những công trình đã xuất bản - được ông đặt riêng một khu trên tủ sách. Song còn nhiều tác phẩm qua thời gian thất lạc, đến nay ông chưa tìm lại được.


Căn phòng cũng là nơi ông lưu giữ những kỷ vật quý báu: giấy chứng nhận Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2018 (Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ 1859 - 1954) và năm 2024 (Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử 1698 - 2020); bộ ấm tách do lãnh đạo TP.HCM tặng, các tập lịch, sổ sách, thư pháp do các nhà xuất bản, đơn vị phát hành tặng…

Một nguyện vọng của nhà nghiên cứu là tủ sách cùng các vật dụng của ông, toàn bộ di sản này được tặng lại cho một trung tâm, bảo tàng hay thư viện, nơi họ dành một không gian riêng tưởng niệm tác giả Nguyễn Đình Tư.