Thu nhập và mức chi tiêu của người dân đều tăng

Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2024 do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) vừa công bố cho thấy, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

Đầu tư cho giáo dục của hộ gia đình ngày càng cải thiện. Ảnh minh họa

Đầu tư cho giáo dục của hộ gia đình ngày càng cải thiện. Ảnh minh họa

Khảo sát mức sống dân cư năm 2024 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, với 46.995 hộ đại diện.

Kết quả cho thấy, năm 2024, thu nhập bình quân của người dân tiếp tục được cải thiện và tăng cả ở khu vực thành thị và nông thôn. Thu nhập bình quân đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,1% so với năm 2023, cao hơn tốc độ tăng thu nhập của năm 2023 so với năm 2022 (6,2%).

Thu nhập bình quân ở khu vực thành thị cao gấp 1,5 lần khu vực nông thôn. Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân cao nhất, ở mức gần 7,1 triệu đồng/người/tháng. Vùng có thu nhập bình quân thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc chỉ gần 3,8 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2024, chi tiêu của người dân tăng trở lại và tăng chủ yếu ở khu vực thành thị. Chi tiêu bình quân đạt gần 3 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,5% so với năm 2022. Trung bình 1 năm trong giai đoạn 2022 - 2024 tăng 3,2%.

Lượng tiêu thụ rượu bia, đồ uống khác (nước có ga, nước ngọt…) giảm so với năm 2022. Cụ thể, rượu bia giảm từ 1,2 lít/người/tháng xuống còn 0,9 lít/người/tháng và đồ uống khác giảm từ 2,1 lít/người/tháng xuống 1,9 lít/người/tháng.

Về giáo dục, tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông lần lượt là 95,7%, 91,6% và 80%.

Đầu tư cho giáo dục của hộ gia đình ngày càng cải thiện, thể hiện ở chi giáo dục, đào tạo bình quân 1 năm cho 1 người đi học năm 2024 là hơn 9,5 triệu đồng, tăng 36,3% so với năm 2022 (7 triệu đồng). Chi giáo dục, đào tạo tăng trở lại sau khi bị giảm do dịch Covid-19.

Trong cơ cấu chi giáo dục, đào tạo, các khoản chi cho học phí, trái tuyến (chiếm 41,1%), học thêm (chiếm 21,4%) và chi giáo dục khác (chiếm 19,3%) là các khoản chi chiếm tỷ trọng lớn.

Cơ cấu các khoản chi giáo dục, đào tạo trong năm 2024 của 1 người đi học. Nguồn: Cục Thống kê

Cơ cấu các khoản chi giáo dục, đào tạo trong năm 2024 của 1 người đi học. Nguồn: Cục Thống kê

Về y tế, tỷ lệ người có khám chữa bệnh trong 12 tháng là 23,3%, giảm 4,4 điểm phần trăm so với năm 2022. Chi tiêu y tế bình quân 1 người có khám chữa bệnh là hơn 3,5 triệu đồng tăng 41,9% so với 2022. Năm 2024, chi tiêu bình quân 1 người có khám chữa bệnh nội trú là gần 10,2 triệu đồng và ngoại trú là hơn 1,8 triệu đồng.

Trong giai đoạn 2014-2024 chất lượng nhà ở của các hộ gia đình được cải thiện rõ rệt. Diện tích nhà ở bình quân đầu người liên tục tăng trong giai đoạn 2014-2024 và đạt 29 m2 vào năm 2024, tăng 1,2 m2 so với năm 2023 và tăng 7,6 m2 so với năm 2014.

Cũng trong giai đoạn này, chất lượng nguồn nước sinh hoạt của hộ gia đình không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh luôn ở mức trên 93% và tăng dần qua các năm.

Khảo sát cũng cho thấy mức giảm nghèo so với năm 2023 đạt 1,1 điểm phần trăm. Bất bình đẳng vẫn giữ ở mức trung bình. Tuy nhiên, những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao lại là những vùng có mức độ bất bình đẳng cao do vậy cần tập trung thực hiện tốt các chính sách, chương trình tạo việc làm và nâng cao thu nhập cũng như các chính sách an sinh xã hội .

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thu-nhap-va-muc-chi-tieu-cua-nguoi-dan-deu-tang-702722.html
Zalo