Miễn viện phí toàn dân từ 2030: Mục tiêu không còn xa

Chiều 17/5, tại cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định định hướng đổi mới công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, từ khám chữa bệnh là chính sang phòng ngừa và chăm sóc toàn diện. Mô hình chăm sóc sức khỏe theo chính quyền địa phương hai cấp sẽ được áp dụng, chú trọng đến y tế vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước đó, chiều 8/4, tại Hà Nội, trong cuộc gặp mặt cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu tiến tới miễn viện phí cho toàn dân, khẳng định đây là cam kết của Đảng, Nhà nước nhằm mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam.

Đây là lần thứ hai Tổng Bí thư đề cập đến mục tiêu này một ý tưởng đầy tính nhân văn, được đông đảo người dân mong chờ, đặc biệt sau chính sách miễn học phí được công bố gần đây. Theo Tổng Bí thư, miễn viện phí là bước đi chiến lược nhằm xóa bỏ rào cản tài chính trong tiếp cận dịch vụ y tế, đảm bảo công bằng xã hội và thể hiện tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau".

Hiện nay, chi phí khám, chữa bệnh vẫn là gánh nặng lớn đối với nhiều hộ gia đình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu vùng xa, lao động thu nhập thấp. Một ca bệnh nặng hoàn toàn có thể khiến một gia đình lâm vào cảnh nợ nần, kiệt quệ. Do đó, miễn viện phí không chỉ là chính sách an sinh mà còn là lời cam kết cho một tương lai hạnh phúc, bình đẳng và nhân ái.

Tuy nhiên, mục tiêu này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt là về nguồn lực tài chính. Chi phí y tế tại Việt Nam ngày càng gia tăng do nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một lớn và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ y học. Việc triển khai chính sách miễn viện phí đòi hỏi sự quản lý tài chính công minh bạch, hiệu quả, cũng như đầu tư đồng bộ cho hạ tầng y tế, đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ.

Ngoài ra, cần lường trước khả năng lạm dụng dịch vụ khi rào cản tài chính không còn, dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Do đó, cần xác định rõ phạm vi tiếp cận dịch vụ miễn phí, phân cấp theo các tuyến y tế từ cơ sở đến trung ương, đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu người dân và năng lực cung ứng của hệ thống y tế.

Văn phòng Trung ương Đảng mới đây cũng đã ban hành Thông báo Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với các ban, bộ, ngành Trung ương, trong đó nhấn mạnh định hướng kiện toàn hệ thống tổ chức ngành y tế từ Trung ương tới cơ sở, gắn với mô hình phân tầng kỹ thuật rõ ràng, hiệu quả. Đặc biệt, nâng cao năng lực y tế cơ sở được xem là then chốt trong chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn dân.

 Đột phá trong chăm sóc sức khỏe nhân dân tạo nền tảng cho một Việt Nam khỏe mạnh, văn minh và hạnh phúc hơn. Ảnh: Internet

Đột phá trong chăm sóc sức khỏe nhân dân tạo nền tảng cho một Việt Nam khỏe mạnh, văn minh và hạnh phúc hơn. Ảnh: Internet

Y tế cơ sở tuyến gần dân nhất, đóng vai trò "gác cửa" sẽ được củng cố toàn diện cả về con người, công nghệ và cơ sở vật chất. Mục tiêu là để người dân tin tưởng, chủ động chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu, phòng ngừa và điều trị sớm các bệnh lý, thay vì dồn về các bệnh viện tuyến trên. Khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần cho toàn dân cũng được thống nhất triển khai, giao Bộ Y tế xây dựng đề án cụ thể.

Theo lộ trình đề xuất, từ năm 2030 đến 2035, Việt Nam sẽ tiến tới miễn viện phí toàn dân, khởi đầu bằng việc miễn phí khám, chữa bệnh cho trẻ em. Cùng với đó là chuyển đổi số mạnh mẽ trong y tế, hoàn thành sổ sức khỏe điện tử toàn quốc, kết nối đồng bộ dữ liệu khám chữa bệnh giữa các tuyến và ngành liên quan.

Chiều 17/5, tại cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định định hướng đổi mới công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, từ khám chữa bệnh là chính sang phòng ngừa và chăm sóc toàn diện. Mô hình chăm sóc sức khỏe theo chính quyền địa phương hai cấp sẽ được áp dụng, chú trọng đến y tế vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phát triển y tế dự phòng, công nghiệp dược, vaccine, nâng cao thể lực người Việt Nam, đồng thời xây dựng bệnh viện thông minh, bệnh viện số, đảm bảo chất lượng và tiếp cận bình đẳng.

Một xã hội khỏe mạnh không thể chỉ dựa vào bác sĩ hay bệnh viện, mà bắt đầu từ ý thức mỗi người dân. Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh cần xây dựng văn hóa sức khỏe: ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, tránh rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, chăm sóc sức khỏe tinh thần, sống tích cực và chia sẻ.

Những chủ trương đột phá trong chăm sóc sức khỏe nhân dân lần này cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, công bằng và vì con người tạo nền tảng cho một Việt Nam khỏe mạnh, văn minh và hạnh phúc hơn.

H.Thanh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/mien-vien-phi-toan-dan-tu-2030-muc-tieu-khong-con-xa-164430.html
Zalo