Thu nhập đến 350 triệu đồng mỗi năm từ nuôi dê
Là công nhân của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải nhưng anh Hồ Ngọc Hải ở thôn Minh Phước, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh còn có thêm mô hình chăn nuôi dê khá hiệu quả. Công việc này đã mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định và mở thêm hướng sản xuất cho nông dân xã Vĩnh Sơn.

Anh Hồ Ngọc Hải có nguồn thu nhập ổn định từ nuôi dê - Ảnh: L.A
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi dê, anh Hải cho biết, trong quá trình là công nhân cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải anh nhận thấy địa phương có thế mạnh về vườn đồi, diện tích rừng khá lớn nên anh đã ấp ủ ý tưởng chăn nuôi dê để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào này.
Năm 2017, sau khi tham khảo một số mô hình nuôi dê tại các địa phương lân cận cộng với sự tìm tòi, học hỏi của bản thân, anh đã xây dựng chuồng trại và mua 10 con dê bố mẹ với giá 30 triệu đồng về thả nuôi. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, cùng sự chăm sóc chu đáo, đàn dê của anh đã không ngừng phát triển. Từ năm 2018 đến nay, đàn dê luôn duy trì từ 60 - 70 con.
Theo anh Hải, để nuôi dê thành công, người chăn nuôi cần nắm vững tập tính của dê và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Theo đó, chuồng trại cần biệt lập, cách xa khu dân cư, đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Nền chuồng cao hơn so với mặt đất từ 0,8 - 1 m để tránh ẩm ướt. Định kỳ 10 - 15 ngày phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại; hằng ngày phải thu dọn vệ sinh; rắc vôi bột trên nền chuồng định kỳ 1 tuần/lần. Bên cạnh đó còn phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo hướng dẫn để phòng bệnh cho đàn dê.
Nguồn thức ăn của dê khá phong phú, chúng rất thích ăn cỏ và các loại cây mọc hoang trong rừng như sim, mua, xuyến chi. Tuy nhiên, nếu dê ăn phải cỏ và các loại lá cây còn bị ẩm ướt do trời mưa hoặc dính sương đêm thì thường bị bệnh đường ruột. Do vậy, khi chăn thả dê không nên thả sớm mà chỉ nên thả lên đồi khi cỏ đã khô sương. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm một số khoáng chất thông qua “đá liếm” để dê phát triển tốt.
“Tùy theo thời tiết mà tôi có phương thức chăn thả hợp lý. Những ngày trời nắng dê được thả lên đồi rừng để tự tìm kiếm thức ăn, những ngày trời mưa hoặc âm u dê được nuôi nhốt và cho ăn bằng lá cây được được thu hái về hoặc chỉ thả vào buổi chiều khi lá cây đã khô ráo”, anh Hải nói.
Anh Hải chia sẻ, hiện tại trong chuồng có đàn dê bố mẹ khoảng 40 con. Dê sinh sản nhanh, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 2 con. Nhờ quay vòng nhân giống, anh không tốn tiền mua dê giống và đảm bảo kiểm soát được chất lượng đàn dê. Dê con nuôi khoảng 8 - 10 tháng, đạt trọng lượng từ 18 - 20 kg/con là có thể xuất chuồng. Do nuôi chăn thả tự nhiên nên chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Dê nuôi lớn đến đâu được đặt hàng hết tới đó, nhiều khi còn cháy hàng.
Đối với dê bố mẹ, sau khoảng 3 - 4 năm (khi dê đẻ được từ 6 - 7 lứa) thì anh sẽ lựa chọn trong đàn dê con những con có ngoại hình đẹp để thay thế đàn dê bố mẹ. Anh Hải cho hay, nhờ chủ động được dê giống, chi phí chăn nuôi thấp nên với khoảng 120 - 130 con xuất bán mỗi năm, trừ chi phí anh thu lãi từ 320 - 350 triệu đồng. Bên cạnh đó, phân dê còn được anh bán cho người trồng cao su, tiêu để bón cho cây với giá 100.000 đồng/m3. “Dự kiến trong thời gian tới tôi sẽ mở rộng quy mô chuồng trại lên gấp đôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, anh Hải cho biết thêm.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng đánh giá rất cao mô hình nuôi dê của anh Hải do đây là mô hình phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương. Bởi dê vật nuôi dễ chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, vốn đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ ổn định, lại cho thu nhập quanh năm. Với diện tích rừng của địa phương khá lớn, trên 1.600 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình nuôi dê trên địa bàn xã, góp phần phát triển kinh tế cho người dân.
“Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng, dịch bệnh trên đàn gia súc còn diễn biến phức tạp thì việc đẩy mạnh chăn nuôi dê là hướng đi hợp lý, hiệu quả. Tùy theo điều kiện đất đai, khả năng đầu tư mà người dân có thể lựa chọn phương thức nuôi chăn thả hoặc nhốt chuồng. Địa phương cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn để tăng cường kiến thức cho các hộ nông dân có nhu cầu. Đồng thời hỗ trợ nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”, ông Dũng khẳng định.