Thu nhập cao từ nuôi cá thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm

Các mô hình nuôi cá thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản.

Mô hình nuôi cá thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại hộ gia đình ông Lê Công Chú, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường. Ảnh Lương Giang.

Mô hình nuôi cá thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại hộ gia đình ông Lê Công Chú, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường. Ảnh Lương Giang.

Xây dựng các mô hình nuôi cá thâm canh cao

Trong những năm qua, ngành thủy sản của tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển và thay đổi nông nghiệp, nông thôn địa phương theo hướng hiện đại.

Trong nuôi trồng thủy sản, nhiều đối tượng mới có hiệu quả được đưa vào nuôi; các hình thức, phương thức nuôi ngày càng đa dạng và phát triển như nuôi trong ao, hồ, nuôi lồng, bể; nuôi quảng canh cải tiến, nuôi bán thâm canh và thâm canh… Đã hình thành một số vùng sản xuất cá thương phẩm tập trung như xã Phú Đa, Cao Đại, Tuân Chính.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, sản xuất thủy sản còn một số tồn tại, hạn chế như: diện tích nuôi thủy sản thâm canh còn chưa cao, năng suất còn thấp, sản phẩm sản xuất ra cung ứng tới người tiêu dùng qua nhiều khâu trung gian. Do vậy giá thành thấp, hiệu quả chăn nuôi không cao.

Để khắc phục các khó khăn trên, từ năm 2021 thực hiện Quyết định số 3016/QĐ-UBND ngày 25/11/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt chương trình khuyến nông hàng năm, Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ triển khai, xây dựng các mô hình nuôi cá thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó hàng năm, Trung tâm triển khai xây dựng 03 mô hình nuôi cá thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, với quy mô 6 ha (2ha/mô hình) tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các giống cá được đưa vào nuôi tại mô hình là cá trắm cỏ, cá chép lai.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ Trung tâm Giống nông nghiệp đã phối hợp với phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Kinh tế) các huyện, thành phố, các xã, phường lựa chọn hộ có đủ điều kiện tham gia thực hiện mô hình, hướng dẫn tư vấn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý ao nuôi. Đồng thời hỗ trợ, tìm kiếm các doanh nghiệp trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình

Ông Lê Công Chúc, chủ hộ nuôi thủy sản tham gia thực hiện mô hình nuôi cá thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường cho biết: gia đình ông đã nuôi cá nhiều năm trên diện tích 2ha, trước đây nuôi theo hình thức quảng canh truyền thống. Hàng năm, chỉ cho thu hoạch 2-4 tấn/ha. Cá khi thu hoạch được tiêu thụ thông qua môi giới và người bán lẻ tại địa phương, sản phẩm khó tiêu thụ, giá thành thấp, hiệu quả chăn nuôi không cao.

Khi tham gia thực hiện mô hình nuôi cá thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Giống nông nghiệp triển khai, sử dụng thức ăn công nghiệp, rút ngắn thời gian nuôi, năng suất cá thu được gấp 3-4 lần so với chăn nuôi truyền thống trước kia. Đặc biệt, gia đình đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với công ty với giá bán cao hơn tại địa phương 3-5%, do vậy gia đình ông rất yên tâm đầu tư vào sản xuất. Sau khi thu hoạch trừ chi phí ao nuôi cá của ông Chúc cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha.

 Đàn cá nuôi tại mô hình thâm canh nhà ông Lê Công Chúc. Ảnh Lương Giang.

Đàn cá nuôi tại mô hình thâm canh nhà ông Lê Công Chúc. Ảnh Lương Giang.

Kết quả cho thấy, các mô hình nuôi cá thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp các hộ chăn nuôi thực hiện tốt quy trình chăm sóc nuôi dưỡng đàn cá, kiểm soát hiệu quả mật độ cá nuôi trong ao và lượng thức ăn hàng ngày, cá giống đưa vào nuôi là các giống cá có hiệu quả kinh tế cao, chất lượng giống tốt. Năng suất đạt 18-20 tấn/ha, cao hơn nhiều so với hình thức nuôi cá quảng canh truyền thống.

Các mô hình đã tạo được sự liên kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Các mô hình là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho các hộ chăn nuôi thủy sản tại địa phương, phát triển sản xuất, nhân rộng thêm nhiều mô hình. Đưa ngành chăn nuôi thủy sản của tỉnh ngày một phát triển bền vững.

Lương Giang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thu-nhap-cao-tu-nuoi-ca-tham-canh-cao-gan-voi-lien-ket-tieu-thu-san-pham-399573.html
Zalo