FPT Retail lãi ròng cao nhất trong 10 quý
Kết quả tích cực của FPT Retail trong quý 3/2024 đến từ sự tăng trưởng doanh thu của chuỗi nhà thuốc Long Châu và sự cải thiện hiệu quả của chuỗi bán lẻ công nghệ FPT Shop.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2024 vừa công bố, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) ghi nhận doanh thu đạt 10.376 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp đạt 18,2%, cải thiện so với mức 16,6% của cùng kỳ.
Về phần chi phí, chi phí lãi vay của công ty trong quý 3 giảm nhẹ so với cùng kỳ, về mức gần 60 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng tăng 28% lên mức 1.320 tỷ đồng; chi phí quản lý cũng tăng 14% lên mức 338 tỷ đồng.
Kết quả, FPT Retail báo lãi sau thuế 165 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ lỗ hơn 13 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ (lãi ròng) đạt 141 tỷ đồng, so với cùng kỳ âm 21 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi ròng cao nhất của doanh nghiệp trong 10 quý gần đây.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, FPT Retail đạt doanh thu thuần 28.657 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 358 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 197 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 275 tỷ đồng, so với cùng kỳ âm 226 tỷ đồng.
Năm 2024, công ty bán lẻ đặt mục tiêu doanh thu 37.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 125 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành được 77% kế hoạch doanh thu và vượt xa mục tiêu về lợi nhuận.
Về hai lĩnh vực kinh doanh chính, trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của FPT Long Châu tiếp tục tăng trưởng mạnh và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Chuỗi nhà thuốc mang về 18.006 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 62% tổng doanh thu.
Tính riêng trong quý 3/2024, Long Châu mở mới 143 nhà thuốc, là quý mở nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm 2024, nâng tổng số nhà thuốc lên 1.849. Hiệu quả hoạt động chung của chuỗi nhà thuốc vẫn được duy trì với doanh thu/nhà thuốc khoảng 1,2 tỷ/tháng, tương đương với các quý trước trong năm. Mạng lưới trung tâm tiêm chủng Long Châu cũng được mở rộng với 115 trung tâm, tăng 105 trung tâm so với đầu năm.
Chuỗi FPT Shop đóng góp 10.904 tỷ đồng doanh thu, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 38% tổng doanh thu. Theo FRT, trong quý 3, FPT Shop đã có lợi nhuận trước thuế và doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt 2,1 tỷ đồng/tháng – mức cao nhất kể từ đầu năm. Từ đó, góp phần giúp lợi nhuận quý 3 của FRT tăng trưởng hơn các quý trước. Tại thời điểm cuối quý 3/2024, FPT Shop còn 637 cửa hàng, đóng cửa 118 cửa hàng kém hiệu quả trong 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, trong quý 3, FPT Shop đã thử nghiệm chuyển đổi 10 cửa hàng FPT Shop thông thường sang mô hình FPT Shop điện máy với điểm khác biệt về sản phẩm gia dụng và điện máy đa dạng, dịch vụ lắp đặt và giao nhận. Dự kiến công ty sẽ mở thêm 50 cửa hàng FPT Shop điện máy trong quý 4/2024.
Về tình hình tài chính, tại thời điểm cuối quý 3/2024, quy mô tổng tài sản của FPT Retail đạt gần 14.500 tỷ đồng; tăng hơn 1.400 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm hơn 9.100 tỷ đồng, tăng gần 700 tỷ đồng. Công ty có gần 2.800 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền.
Nợ phải trả của công ty ở mức gần 12.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ vay chiếm hơn 7.300 tỷ đồng, giảm gần 800 tỷ đồng sau 9 tháng và toàn bộ là nợ vay ngắn hạn.
Trên thị trường, cổ phiếu FRT đang giao dịch ở vùng giá gần 174.000 đồng/cp, tăng gần 70% so với đầu năm 2024.
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu này, nhóm quỹ thành viên Dragon Capital mới đây báo cáo đã mua 80.000 cổ phiếu FRT, nâng sở hữu đến ngày 28/10 lên 19,1 triệu cổ phiếu, tương ứng với 14,05% vốn.
Trước đó, cổ đông ngoại báo cáo sở hữu 17,6 triệu cổ phiếu (13,05% vốn) tại ngày 30/9. Như vậy trong khoảng một tháng (1/10 đến 28/10), Dragon Capital đã mua ròng 1,5 triệu cổ phiếu của công ty bán lẻ.