Thu nhập 10 triệu/tháng ở thành phố: Chi tiêu thế nào để không 'cháy túi'?

Với mức thu nhập phổ biến khoảng 10 triệu đồng/tháng, không ít người trẻ đang sinh sống và làm việc tại các đô thị lớn phải tính toán chi li từng đồng mới có thể duy trì mức sống cơ bản. Trong bối cảnh giá cả leo thang, giấc mơ 'sống thoải mái' với 10 triệu trở nên thật xa vời.

Chi tiêu cơ bản: Cân nhắc từng khoản

Theo khảo sát nhanh được thực hiện với 20 người trẻ đang làm việc tại Hà Nội, mức chi tiêu trung bình hằng tháng của người độc thân dao động từ 9-11 triệu đồng. Trong đó, tiền thuê nhà chiếm phần lớn, trung bình 3,5-5 triệu đồng/tháng.

Anh Hoàng Nam (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại Đống Đa) chia sẻ: “Tôi đang thuê phòng trọ 20m², giá 4 triệu/tháng, đã là rẻ so với mặt bằng chung. Tôi từng cân nhắc chuyển ra xa trung tâm để giảm phí thuê nhà nhưng chi phí đi lại và thời gian tăng lên nên lại thôi.”

Phòng trọ giá 4 triệu đồng/tháng của anh Nam tại quận Đống Đa (Ảnh: NVCC)

Phòng trọ giá 4 triệu đồng/tháng của anh Nam tại quận Đống Đa (Ảnh: NVCC)

Khảo sát cũng cho thấy, tiền ăn uống trung bình chiếm khoảng 2-3 triệu đồng mỗi tháng nếu tự nấu, còn ăn ngoài thường xuyên có thể lên tới 3-4 triệu đồng. Thu Trang (22 tuổi, sinh viên năm cuối ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết: “Mình tự nấu là chính, mỗi tháng hết tầm 2,5 triệu tiền ăn. Thỉnh thoảng, có hôm mình học về muộn thì ăn ngoài. Giá một bữa cơm bụi cũng đã 35.000 – 50.000 đồng”.

Bữa cơm “đủ chất’ đối với sinh viên (Ảnh: NVCC)

Bữa cơm “đủ chất’ đối với sinh viên (Ảnh: NVCC)

Chi phí đi lại (xăng xe, bảo dưỡng, gửi xe...) hiện nay trung bình từ 800.000 đến 1 triệu đồng/tháng. Những người đi làm xa hoặc không có phương tiện cá nhân phải phụ thuộc vào xe buýt, tàu điện, chi phí có thể thấp hơn nhưng thời gian và sự linh hoạt bị hạn chế.

“Tôi chạy xe công nghệ, tiền đổ xăng hàng tháng đã gần 1,5 triệu đồng, chưa kể sửa chữa định kỳ. Đợt xăng tăng giá, có hôm chạy mười mấy cuốc mà chỉ lời được 150.000 đồng” - anh Minh Tuấn (30 tuổi, tài xế công nghệ) cho hay.

Ngoài ra, tiền điện, nước, internet, điện thoại dao động từ 600.000 - 1 triệu đồng/tháng. Nếu cộng thêm các chi phí phát sinh như khám bệnh, mua đồ dùng cá nhân, quà cáp, đi chơi dịp lễ..., nhiều người cho biết họ phải vay mượn hoặc tiêu trước tiền lương tháng sau.

Vui chơi, mua sắm giải trí vẫn luôn phát sinh hằng ngày (Ảnh: Mỹ Phương)

Vui chơi, mua sắm giải trí vẫn luôn phát sinh hằng ngày (Ảnh: Mỹ Phương)

"Sống sót" bằng cách tiết kiệm và làm thêm

Trong tình thế chi phí vượt quá thu nhập, nhiều bạn trẻ buộc phải tìm cách xoay xở: giảm chi, tăng thu. Ngọc Hiếu (sinh viên năm cuối tại Hải Phòng đang thực tập ở Hà Nội) cho biết: “Mình ở ghép với 2 bạn cùng trường, chia nhau tiền nhà còn khoảng 1,5 triệu/tháng. Mỗi tháng, mình ghi chép từng khoản chi vào Excel, có tuần phải nhịn ăn sáng để giữ ngân sách”.

Còn chị Hà Linh (25 tuổi, nhân viên marketing) thì chọn giải pháp kiếm thêm thu nhập: “Ngoài giờ làm, chị nhận viết nội dung cho một fanpage về du lịch. Tháng thêm được 1,5 - 2 triệu, đủ để đóng bảo hiểm, đi chơi, đỡ căng thẳng.”

Các hội nhóm trên mạng xã hội - nơi trao đổi kinh nghiệm sống tiết kiệm giữa người trẻ (Ảnh chụp màn hình).

Các hội nhóm trên mạng xã hội - nơi trao đổi kinh nghiệm sống tiết kiệm giữa người trẻ (Ảnh chụp màn hình).

Trên mạng xã hội, các hội nhóm như "Chợ sinh viên Hà Nội", “Việc làm thêm sinh viên” hay nền tảng #LearnonTiktok thu hút hàng trăm nghìn người dùng, chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm như: nấu cơm mang đi làm, mua đồ si, săn khuyến mãi online, thanh lý đồ cũ…

Sống ở đô thị với 10 triệu đồng mỗi tháng đang là một bài toán khó với nhiều người trẻ. Không chỉ cần kỹ năng chi tiêu hợp lý, họ còn phải xoay xở, làm thêm và hy sinh nhiều nhu cầu cá nhân để không “cháy túi”. Điều quan trọng nhất là lên kế hoạch rõ ràng, cân nhắc kỹ từng khoản và tìm kiếm những phương án tiết kiệm hiệu quả để đảm bảo tài chính vững vàng hơn trong tương lai.

Mỹ Phương

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/thu-nhap-10-trieu-thang-o-thanh-pho-chi-tieu-the-nao-de-khong-chay-tui-172250418120401958.htm
Zalo