Cải cách thể chế để chuyển đổi xanh, phát triển bền vững
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững VCCI tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất do báo Dân trí tổ chức chiều nay (23/4) tại Hà Nội.
Gỡ điểm nghẽn thể chế
Yếu tố mang tính "chìa khóa" để thực hành chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam là nâng cao năng lực thể chế và quản trị nhà nước, theo ông Huy.

Theo ông Huy, một hệ thống thể chế minh bạch, hiệu quả và nhất quán sẽ tạo điều kiện để các nguồn lực để chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Ông Huy cho rằng, thể chế là nền tảng chi phối mọi chính sách, định hướng và cơ chế thực thi. Một hệ thống thể chế minh bạch, hiệu quả và nhất quán sẽ tạo điều kiện để các nguồn lực - từ vốn, công nghệ, đến nhân lực - được phân bổ hợp lý và phát huy tối đa trong tiến trình phát triển bền vững.
Thể chế mạnh sẽ giúp củng cố niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là trong việc thực hiện các cam kết ESG, thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và nâng cao trách nhiệm xã hội.
Thực tế hiện nay cho thấy nhiều chính sách phát triển bền vững tại Việt Nam còn chậm đi vào cuộc sống do thiếu sự đồng bộ giữa các bộ ngành, chưa rõ ràng về cơ chế phối hợp và giám sát. SME, vốn chiếm hơn 97% doanh nghiệp, cũng gặp khó trong tiếp cận hỗ trợ do quy định thiếu linh hoạt và thông tin thiếu minh bạch.
"Nếu cải thiện thể chế một cách thực chất, Việt Nam không chỉ tháo gỡ được "nút thắt" cho khu vực tư nhân, mà còn tạo được môi trường pháp lý thuận lợi để huy động vốn đầu tư xanh, đổi mới sáng tạo, và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao", ông Huy bày tỏ quan điểm.
Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ vì mục tiêu phát triển bền vững, một thể chế hiện đại, minh bạch và có năng lực thực thi hiệu quả sẽ là đòn bẩy chiến lược để Việt Nam không chỉ bắt kịp, mà còn có thể dẫn đầu trong một số lĩnh vực chuyển đổi xanh và công nghệ sạch trong thập kỷ tới.
Tương tự như vậy, TS Bùi Thanh Minh - Phó giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, chính sách phát triển bền vững không phải là chính sách đơn lẻ mà là chính sách tổng thể.
Chẳng hạn, chúng ta nhắc đến chuyển đổi xanh cần nhắc đến tài chính xanh, chính sách công nghiệp… Khi như vậy, chúng ta cần có tư duy hệ thống, xây dựng hệ sinh thái chiến lược phát triển bền vững. Chúng ta cần xây dựng hệ sinh thái chính sách một cách tổng thể, hoàn thiện, phù hợp với từng cấp độ doanh nghiệp.
"Trong một báo cáo của Ban IV, chúng tôi có khuyến nghị là chỉ số tín chỉ carbon của Việt Nam đang chậm trễ hơn so với thị trường tín chỉ carbon của các quốc gia khác trong khu vực. Điểm nghẽn lớn nhất là chúng ta thiếu một cách tiếp cận, tư duy tiếp cận tổng thể về chiến lược phát triển bền vững quốc gia cũng như dành cho từng doanh nghiệp. Chúng ta cần có hệ sinh thái ESG, tức là chúng ta sẽ phải làm ESG theo tư duy toàn cầu, theo các tiêu chí tiêu chuẩn", ông Minh cho biết.
Tăng trưởng theo hướng bền vững
Để cân bằng hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh áp lực ESG và chuyển đổi xanh ngày càng gia tăng, ông Huy cho rằng Việt Nam cần ưu tiên một số giải pháp chiến lược mang tính hệ thống.

Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất tôn vinh 10 đơn vị thực thi ESG toàn diện.
Trước tiên, cần định hình lại mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, sáng tạo và bền vững thay vì chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và xuất khẩu gia công. Trong đó, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sạch cần được xác định là động lực trọng tâm.
Thứ hai, đầu tư mạnh vào hạ tầng chuyển đổi xanh và số hóa. Điều này bao gồm mở rộng năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống giao thông thông minh, xử lý chất thải hiện đại và áp dụng công nghệ số để đo lường, quản lý dữ liệu ESG.
Cùng với đó, Việt Nam cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ, tạo nền tảng cho doanh nghiệp thực hiện, báo cáo và được hỗ trợ theo lộ trình cụ thể, tránh tình trạng "tự bơi" hoặc chạy theo tiêu chuẩn quốc tế mà thiếu hướng dẫn nội địa. Một giải pháp không kém phần quan trọng là phát triển nguồn nhân lực xanh, thông qua đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho lao động hiện có và tích hợp nội dung phát triển bền vững vào giáo dục.
Đồng thời, cần đổi mới hệ thống tài chính theo hướng thúc đẩy tín dụng xanh, trái phiếu bền vững và quỹ đầu tư ESG để tạo nguồn lực cho doanh nghiệp, nhất là khối SME.
Cuối cùng, nâng cao năng lực thể chế và thực thi pháp luật sẽ là đòn bẩy để đảm bảo sự nhất quán, minh bạch và hiệu quả của mọi chính sách.
Với những giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế, vừa chuyển dịch sang một mô hình phát triển thực sự bền vững và có khả năng thích ứng cao trong tương lai.
Phát biểu tại diễn đàn, TS Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, cần sự nỗ lực của người dân, người lao động, có cơ chế mở và rộng rãi để giám sát thực thi ESG.
Thứ hai là phát triển hạ tầng mềm, bộ tiêu chuẩn ESG, quy định để kiểm soát việc thực thi ESG. Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường đối thoại định kỳ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân để tăng cường nhận thức, giám sát triển khai ESG.
"Một trong những "nút thắt" lớn nhất là vấn đề tiếp cận vốn. Mặc dù nhiều chương trình tín dụng xanh được công bố, nhưng điều kiện vay vẫn phức tạp, đòi hỏi minh bạch về tài chính và tiêu chuẩn ESG mà đa số SME chưa đủ năng lực đáp ứng.
Thêm vào đó, SME cũng gặp khó trong tiếp cận công nghệ sạch và hiện đại do chi phí đầu tư cao và thiếu thông tin về các giải pháp phù hợp. Chuẩn ESG vẫn còn là khái niệm mới với nhiều doanh nghiệp, nhất là ở cấp độ quản trị, khiến việc áp dụng bị chậm trễ hoặc mang tính hình thức.
Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành chưa nhất quán, chính sách thiếu tính kết nối và hỗ trợ cụ thể cho SME khiến tác động lan tỏa bị hạn chế.
Do đó, để chính sách phát triển bền vững thực sự phát huy hiệu quả, Việt Nam cần tập trung tháo gỡ các rào cản thể chế, thúc đẩy khung pháp lý minh bạch, hỗ trợ đào tạo ESG và thiết lập cơ chế tài chính linh hoạt hơn cho SME, từ đó giúp họ tiếp cận được nguồn lực và bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu", ông Nguyễn Tiến Huy chia sẻ.