Thử nghiệm mô hình công tác xã hội mới với nhóm đối tượng yếu thế

Học viện Phụ nữ Việt Nam cần thử nghiệm mô hình công tác xã hội mới, phù hợp nhóm đối tượng yếu thế và nhóm thuộc diện xu hướng tính dục đồng tính.

 Công tác xã hội với nhóm yếu thế. Ảnh minh họa/internet.

Công tác xã hội với nhóm yếu thế. Ảnh minh họa/internet.

Tại Việt Nam, theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/3 hằng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”. Hiện nay, công tác xã hội phát triển theo hướng chuyên nghiệp, góp phần giải quyết các vấn đề trong xã hội. Đồng thời, trợ giúp các đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của con người. Từ đó, tạo nên xã hội ổn định, bền vững, bình đẳng và hạnh phúc.

Đó là chỉ đạo của bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Diễn đàn Công tác xã hội Á - Âu lần thứ 14 (sáng 21/3) tại Học viện Phụ nữ Việt Nam. Sự kiện diễn ra đúng vào ngày thế giới 21/3.

Bà Tôn Ngọc Hạnh cho biết, thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn quan tâm, ủng hộ và thúc đẩy các hoạt động công tác xã hội. Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện thông qua việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em; đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương.

Bà Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại Diễn đàn.

Bà Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại Diễn đàn.

Hoạt động công tác xã hội của Hội không chỉ hướng tới giải quyết các vấn đề thuộc về cá nhân, gia đình và cộng đồng, mà còn hỗ trợ, phát triển khai thác các tiềm năng, phát huy vai trò hạt nhân của mỗi con người; hướng tới sự bền vững và tiến bộ xã hội bằng các nội dung hoạt động cụ thể, thiết thực.

Bà Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh, ngay sau Diễn đàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục thực hiện các hoạt động trọng tâm như: Đề xuất các chính sách nhằm giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến nhu cầu thiết thân của phụ nữ; đặc biệt là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Qua đó, góp phần vào sự phát triển công bằng, bình đẳng và bảo đảm an sinh cho xã hội.

Đồng thời, tăng cường hợp tác, kết nối với các đơn vị, tổ chức quốc tế; xã hội hóa để đẩy mạnh hơn nữa nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động công tác xã hội.

Diễn đàn thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các diễn giả trong nước và quốc tế.

Diễn đàn thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các diễn giả trong nước và quốc tế.

Đối với Học viện Phụ nữ Việt Nam, bà Tôn Ngọc Hạnh đề nghị, trong quá trình giảng dạy, cần xây dựng chương trình đào tạo phù hợp và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu.

Học viện cần dự báo xu thế phát triển của xã hội để đề xuất, thử nghiệm các mô hình công tác xã hội mới, đặc thù, phù hợp với các nhóm đối tượng; đặc biệt các nhóm đối tượng yếu thế/yếu thế kép (vừa nghèo, vừa bị bạo lực; khuyết tật…) và nhóm thuộc diện xu hướng tính dục thiểu số (đồng tính)…

Mặt khác, quan tâm mở rộng mối quan hệ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học, các tổ chức tham dự Diễn đàn và Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Vai trò của công tác xã hội trong bối cảnh Việt Nam hiện nay”.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Vai trò của công tác xã hội trong bối cảnh Việt Nam hiện nay”.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Vai trò của công tác xã hội trong bối cảnh Việt Nam hiện nay”. Hội thảo lần này sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề công tác xã hội giữa Học viện với các trường có đào tạo nghề này trên thế giới.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thu-nghiem-mo-hinh-cong-tac-xa-hoi-moi-voi-nhom-doi-tuong-yeu-the-post630992.html
Zalo