Thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA
Thời gian qua, Ban Điều phối các dự án vốn nước ngoài tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Dự án Chương trình phát triển khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) với mục tiêu là phát triển toàn diện, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tại 17 xã của 6 huyện.
Sau 5 năm thực hiện, các hoạt động của Dự án được triển khai đúng tiến độ, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đến nay đã có gần 16.000 người tại 25 xã dự án, thị trấn và các xã lân cận hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ dự án. Trong đó, nhóm đối tượng ưu tiên của Dự án là nhóm dân tộc thiểu số, nghèo, cận nghèo và hộ phụ nữ yếu thế. Dự án đã góp phần xây dựng 191 sản phẩm OCOP của tỉnh; đưa vào khai thác 20 km đường liên xã của huyện Sơn Dương và 40 km đường liên thôn, đường ra khu sản xuất trên địa bàn 6 huyện; cải tạo, nâng cấp các cụm công trình thủy lợi hồ chứa, kênh mương, đập dâng trên địa bàn 3 xã của huyện Sơn Dương; các hoạt động tập huấn, hỗ trợ trang thiết bị, máy móc... giúp các thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã tăng thu nhập thêm 40%, năng suất trung bình của các tổ hợp tác, hợp tác xã tăng từ 20 - 30%. Đồng thời, Dự án hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực y tế cơ sở, xây dựng hạ tầng trạm y tế, góp phần cải thiện chăm sóc sức khỏe khu vực nông thôn. Hợp phần trao quyền đã giúp phụ nữ thay đổi nhận thức, hiểu rõ bình đẳng giới và quản lý tài chính tốt hơn.
Ngoài thực hiện đúng tiến độ dự án KOICA, Ban Điều phối tiếp tục triển khai các hạng mục dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, Trung du phía Bắc” sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản (JICA); dự án Đầu tư xây dựng trục đường từ Trung tâm thành phố Tuyên Quang đi Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm sử dụng vốn vay ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF); dự án Tăng cường hiệu quả đầu tư và duy trì, phát triển, đảm bảo bền vững Dự án Chương trình phát triển khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của KOICA…
Đồng chí Vũ Thị Phượng, Phó Giám đốc Ban Điều phối các dự án vốn nước ngoài tỉnh cho biết, cùng với việc triển khai Dự án KOICA, JICA, EDCF, Ban đã phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện và các chuyên gia xây dựng hồ sơ đề xuất chương trình, dự án mới như: Dự án “Đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, cải thiện điều kiện dạy và học cho các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” và dự án “Xây dựng hệ thống giao thông nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Tuyên Quang” sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc; dự án “Phát triển nông thôn bền vững giai đoạn 2026 - 2029” sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của KOICA; dự án Xây dựng nhà lớp học 2 tầng 10 phòng học trường Tiểu học Tứ Quận, huyện Yên Sơn do Tổ chức Global Vision International tài trợ; thu hút các dự án nước ngoài vào sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp…
Thời gian tới, để tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, Ban Điều phối các dự án vốn nước ngoài tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án lớn, tập trung vào hạ tầng giao thông, giáo dục, và ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hiệu quả giải ngân, đặc biệt ở các dự án trọng điểm, ưu tiên những lĩnh vực thiết yếu; mở rộng phối hợp với các tổ chức tài trợ như KOICA, JICA, EDCF… để triển khai các dự án mới, xây dựng quan hệ đối tác lâu dài; rút ngắn thời gian thực hiện dự án; ứng dụng công nghệ vào giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư để đảm bảo minh bạch và tối ưu nguồn vốn… Qua đó, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững mà còn mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, đặc biệt là người dân vùng cao, vùng khó khăn.