Thu hút đầu tư ở Đông Nam bộ - Tăng chất và lượng - Bài 4: Phát triển khu công nghiệp chuyên sâu - đô thị hiện đại

Tỉnh Bình Dương và các tỉnh Đông Nam bộ những năm qua đã thu hút được nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đến đầu tư, từng bước hình thành các khu công nghiệp (KCN) - đô thị hiện đại cùng các KCN chuyên sâu, tạo tiền đề phát triển công nghiệp trong nhiều thập niên tới.

Dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Những dự án tỷ USD

Tính từ khi thành lập năm 1991 đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (sáp nhập một phần của tỉnh Đồng Nai và đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo) đã tạo lập gần 20 KCN với nhiều nhà đầu tư lớn. Trong đó, các lĩnh vực công nghiệp hóa dầu, chế biến chế tạo, điện gió được tỉnh ưu tiên phát triển nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Giai đoạn 2015-2020, hàng loạt dự án FDI lớn như: Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD), Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung (hơn 1,3 tỷ USD), Nhà máy giấy Marubeni (hơn 200 triệu USD) và một số dự án khác được khởi công, đưa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào bản đồ những tỉnh thành có dự án công nghiệp siêu lớn của cả nước.

Ông Kulachet Dharachandra, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP), chủ đầu tư Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, chia sẻ: Bà Rịa - Vũng Tàu có vị trí chiến lược cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu nhờ vùng nước biển sâu, cho phép xây dựng cảng và cầu cảng tiếp nhận các tàu lớn. Công ty có kế hoạch đầu tư thêm 500 triệu USD để xây dựng bổ sung một số hạng mục bồn bể chứa nguyên liệu sản xuất.

 Đường Thống Nhất, nối TP Dĩ An với Khu đô thị ĐHQG TPHCM cùng tổ hợp dự án Bcons City hình thành dọc tuyến đường này, mở ra không gian đô thị khang trang, hiện đại

Đường Thống Nhất, nối TP Dĩ An với Khu đô thị ĐHQG TPHCM cùng tổ hợp dự án Bcons City hình thành dọc tuyến đường này, mở ra không gian đô thị khang trang, hiện đại

Hưởng lợi từ ngành công nghiệp khai thác dầu khí, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không vội vã thu hút các dự án đầu tư công nghệ lạc hậu và thâm hụt lao động. Từ năm 2018, tỉnh chủ trương thu hút có chọn lọc vốn FDI, chỉ chấp nhận các dự án chất lượng cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, cho ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Đến nay, tỉnh được các chuyên gia đánh giá còn khá nhiều dư địa phát triển và thu hút đầu tư. Năm 2024, tỉnh đã thu hút 57 dự án đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho 30 dự án, với tổng vốn đầu tư 2,013 tỷ USD và 42.013,6 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2023. Kết quả quý 1-2025 cũng khá khả quan khi tổng vốn thu hút đầu tư cấp mới và tăng thêm là 53.697,9 tỷ đồng, đạt 39,8% kế hoạch.

Lũy kế đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 500 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 34,392 tỷ USD, 703 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 435.911 tỷ đồng.

Mới đây, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 435/KH-TU về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của cả nước.

Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cùng với chính sách hỗ trợ và thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước khởi nghiệp.

Vốn FDI thế hệ mới đổ vào VSIP

Tỉnh Bình Dương đã thành công trong phát triển KCN - đô thị khi hợp tác với các đối tác Singapore đầu tư hình thành mô hình KCN - đô thị - dịch vụ VSIP. Từ khi KCN đầu tiên được khởi công tại Thuận An vào năm 1996 với sự bảo trợ của Chính phủ Việt Nam và Singapore, mô hình VSIP đã trở thành biểu tượng của sự thành công trong thu hút FDI của tỉnh. Tính đến nay, các khu VSIP tại Bình Dương như VSIP I, VSIP II và VSIP III đã thu hút hàng trăm dự án với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, chế biến chế tạo, logistics, bất động sản và dịch vụ phụ trợ.

 Các dự án do Tập đoàn Bcons đầu tư đáp ứng nhu cầu ở thực cho người dân và mở ra không gian đô thị văn minh, hiện đại. Ảnh XUÂN TRUNG

Các dự án do Tập đoàn Bcons đầu tư đáp ứng nhu cầu ở thực cho người dân và mở ra không gian đô thị văn minh, hiện đại. Ảnh XUÂN TRUNG

Chỉ tính riêng giai đoạn 2019-2024, tỉnh Bình Dương thu hút hơn 14,3 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới chiếm 6,8 tỷ USD (tương đương 47,7% tổng vốn), nâng tổng số vốn thu hút được trong 25 năm (từ khi tái lập tỉnh) lên gần 4.300 dự án với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước, sau TPHCM và Hà Nội… Đến nay, mô hình KCN - đô thị - dịch vụ VSIP đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành như là hình mẫu của quan hệ hợp tác - hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore.

Không dừng lại ở việc phát triển hạ tầng công nghiệp đơn thuần, Bình Dương chủ trương hình thành các KCN gắn liền với đô thị và dịch vụ mà điển hình là Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương hơn 4.000ha, với trung tâm là thành phố mới Bình Dương.

Trong làn sóng phát triển KCN thế hệ mới vào Bình Dương, việc thu hút được tập đoàn Lego (Đan Mạch) với vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD xây dựng nhà máy tại KCN VSIP III (trên địa bàn TP Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên) vào năm 2022 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư xanh, bền vững và có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Đây là dự án nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego trên thế giới, áp dụng công nghệ hiện đại và vận hành bằng năng lượng tái tạo, qua đó thể hiện sức hấp dẫn ngày càng tăng của Bình Dương đối với dòng vốn FDI thế hệ mới.

Tiên phong làm nhà ở xã hội, nhà giá rẻ

Với hơn 1,3 triệu công nhân, người lao động sinh sống làm việc tại các KCN, trong đó hơn 1 triệu người có nhu cầu sở hữu nhà ở để an cư, ngay từ sớm tỉnh Bình Dương đã chủ động mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Các doanh nghiệp tư nhân lớn như Tập đoàn Bcons (TPHCM) đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, phát triển nhiều dự án chung cư có giá hợp lý, chất lượng xây dựng đảm bảo tại TP Dĩ An, nhất là ở các khu vực giáp ranh TPHCM, nơi có nhu cầu nhà ở lớn. Các dự án như Bcons Bee, Bcons Garden, Bcons Plaza... phần lớn có mức giá dưới 2 tỷ đồng/căn (tùy diện tích, vị trí), phù hợp với người dân có thu nhập trung bình khá. Các căn hộ này trở thành dòng sản phẩm chủ lực, giúp tập đoàn thành công lớn chỉ sau hơn 10 năm thành lập, phát triển, tạo nền tảng tốt để mở rộng hoạt động đa lĩnh vực.

Không dừng lại ở giá bán phù hợp, các dự án của Bcons còn được chú trọng về thiết kế, tiện ích và chất lượng xây dựng. Các tòa nhà được bố trí hợp lý, tối ưu hóa diện tích sử dụng, kết hợp với các tiện ích như trường học quốc tế, hồ bơi, khu vui chơi trẻ em, công viên cây xanh, siêu thị mini và hệ thống an ninh 24/7, giúp cư dân có chất lượng sống tốt như những căn hộ hiện đại.

 Những căn hộ có giá dưới 2 tỷ đồng của Tập đoàn Bcons giúp hàng ngàn người dân an cư lạc nghiệp

Những căn hộ có giá dưới 2 tỷ đồng của Tập đoàn Bcons giúp hàng ngàn người dân an cư lạc nghiệp

Bcons cũng tiên phong trong việc áp dụng công nghệ xây dựng mới, đáng kể là công nghệ BIM (Building Information Modeling) giúp mô phỏng và kiểm soát toàn bộ quy trình xây dựng từ thiết kế đến thi công, giúp tiết kiệm thời gian và giảm rủi ro kỹ thuật, giảm chi phí đầu tư, giá bán.

Các dự án của Tập đoàn Bcons còn góp phần nâng chất đô thị thông qua việc thiết kế các không gian sống hiện đại, hài hòa với cảnh quan và thân thiện với môi trường, nhất là tại quần thể dự án Bcons City (TP Dĩ An), khu vực tiếp giáp khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM, đang trở thành động lực dẫn dắt, làm đổi thay nhanh chóng bộ mặt đô thị, giúp các khu vực có dự án trở nên văn minh, hiện đại và xanh hơn.

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã triển khai các giải pháp đột phá để đẩy mạnh thu hút vốn FDI. Tỉnh luôn chủ động cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách và tăng cường kết nối quốc tế.

Riêng năm 2024, Bình Dương đã thu hút hơn 2 tỷ USD, vươn lên đứng thứ 2 cả nước chỉ sau TPHCM. Đó là kết quả từ chiến lược phát triển các KCN xanh, KCN thế hệ mới, tạo nền tảng thu hút các nhà đầu tư chất lượng trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số và trí tuệ nhân tạo.

Đối với Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, số liệu thống kê cho thấy toàn tỉnh có trên 53% dân số là người lao động ngoài tỉnh, việc xây dựng nhà ở xã hội là một trong những chính sách an sinh xã hội của tỉnh, có ý nghĩa rất quan trọng, vừa giúp người lao động an cư lạc nghiệp, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thu-hut-dau-tu-o-dong-nam-bo-tang-chat-va-luong-bai-4-phat-trien-khu-cong-nghiep-chuyen-sau-do-thi-hien-dai-post795590.html
Zalo