Mỏ Sư Tử Trắng: Nguồn khí chiến lược trong chuỗi cung ứng năng lượng
Sau hơn một thập kỷ đưa vào khai thác, mỏ Sư Tử Trắng đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khí khu vực Đông Nam Bộ, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và khai thác hiệu quả hạ tầng khí - điện - đạm, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.
Mỏ Sư Tử Trắng thuộc Lô 15-1, nằm ngoài khơi thềm lục địa phía Nam, cách Vũng Tàu khoảng 190km, do Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (CLJOC) điều hành. Đây là mỏ khí - condensate lớn, mang ý nghĩa chiến lược đối với ngành công nghiệp khí Việt Nam.
Năm 2003, giếng khoan ST-1X, đã phát hiện tầng chứa khí - condensate có tiềm năng lớn tại cấu tạo Sư Tử Trắng. Đến năm 2006, chương trình thẩm lượng hoàn tất với 3 giếng tiếp theo: ST-2X, ST-3X và ST-4X, cung cấp cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng phương án phát triển toàn mỏ. Trữ lượng tại chỗ cấp 2P được xác định đạt khoảng 3,17 tỷ bộ khối khí và 435 triệu thùng dầu condensate. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh các mỏ dầu khí ngoài khơi miền Nam đang bước vào giai đoạn suy giảm.
Mỏ Sư Tử Trắng có đặc điểm địa chất phức tạp, đòi hỏi phải áp dụng các giải pháp khai thác kỹ thuật hiện đại, phối hợp chặt chẽ giữa thiết kế giếng, lựa chọn công nghệ khai thác và vận hành tối ưu.
Từ nền tảng trữ lượng lớn và đặc điểm địa chất đặc thù, CLJOC đã xây dựng phương án phát triển mỏ Sư Tử Trắng theo hướng từng bước, phù hợp với điều kiện kỹ thuật - kinh tế của từng thời kỳ. Hành trình phát triển mỏ chính thức bắt đầu từ năm 2016 và liên tục được mở rộng qua các giai đoạn kế tiếp, dưới sự điều hành của CLJOC và với sự tham gia của nhiều đơn vị thiết kế, thi công, giám sát kỹ thuật trong nước.

Cụm giàn khai thác mỏ Sư Tử Trắng.
Các giai đoạn phát triển
Giàn đầu giếng WHP-C tại mỏ Sư Tử Trắng đón dòng khí đầu tiên vào năm 2012. Song, mỏ Sư Tử Trắng chỉ thực sự tạo được sức bật đột phá khi phát triển dự án Giai đoạn 1 thành công với giàn nén khí ST-PIP được lắp đặt kết nối với giàn WHP-C vào tháng 11/2016, cho ra sản lượng trung bình khoảng 70 triệu bộ khối khí và 9.000 thùng condensate một ngày. Đây chính là mốc son đặc biệt có ý nghĩa khi lần đầu tiên ở khu vực châu Á có giàn nén khí làm việc với áp suất lên đến 520 bar. Giàn ST-PIP có khả năng tiếp nhận, xử lý và nén lại khí khai thác để tái bơm về lòng mỏ, giúp duy trì áp suất vỉa và kéo dài chu kỳ khai thác.
Giai đoạn 2A khởi động từ cuối năm 2019 và hoàn tất vào tháng 6/2021 trong điều kiện thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp. CLJOC đã khoan mới các giếng khai thác (ST-7P và ST-8P) nhằm gia tăng sản lượng và điều chỉnh phương án phát triển phù hợp với đặc điểm địa chất từng khu vực. Các hoạt động vận hành tại giàn ST-PIP tiếp tục được duy trì và tối ưu hóa. Ngày 14/6/2021, dự án đã đón dòng khí đầu tiên từ giếng ST-7P, có lưu lượng ước tính khoảng 50 triệu bộ khối khí/ngày và 6.500 thùng condensate/ngày, vượt tiến độ 16 ngày so với kế hoạch.
Chỉ sau hơn 4 tháng kể từ thời điểm khai thác dòng khí đầu tiên, 2 giếng ST-7P và ST-8P đã khai thác được 8,67 tỷ mét khối khí và 1,13 triệu thùng dầu condensate. PV GAS đã tiếp nhận toàn bộ sản lượng khí từ Giai đoạn 2A, với sản lượng bao tiêu khoảng hơn 14 tỷ bộ khối khí/năm, góp phần quan trọng vào việc ổn định nguồn cung cho hệ thống khí PM3 - Cà Mau, tăng hiệu quả sử dụng hạ tầng và nâng cao sản lượng khai thác chung toàn Lô 15-1.

Lễ gắn biển công trình Dự án khai thác khí mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2A.
Thành tựu kỹ thuật và vận hành
Mỏ Sư Tử Trắng là một trong những công trình ngoài khơi phức tạp nhất tại Việt Nam, với địa chất phân lớp mạnh, vỉa chứa chia cắt và áp suất thay đổi lớn theo độ sâu. Trong Giai đoạn 1, CLJOC đã lần đầu tiên áp dụng thành công công nghệ bơm ép khí khô áp suất cao tại Việt Nam - một trong những ứng dụng tiên phong tại châu Á. Như đã đề cập, hệ thống nén khí vận hành ở mức áp suất tới 520 bar, giúp tái nén khí về mỏ để duy trì áp suất và nâng cao sản lượng. Điều đáng nói là, toàn bộ phần thiết kế FEED và thiết kế chi tiết giàn nén khí ST-PIP đều được thực hiện bởi các nhà thầu tư vấn thiết kế trong nước (PVE, TPVN, PTSC M&C). Vị trí quản lý dự án hầu hết được trao cho người Việt Nam, đồng thời tổng thầu EPCI cũng do nhà thầu trong nước có nhiều kinh nghiệm là PTSC đảm nhiệm. Ngoài ra, trong quá trình vận hành, đội ngũ kỹ sư Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, điều chỉnh sơ đồ bơm ép để tối ưu hiệu quả khai thác và tiết kiệm đáng kể chi phí.
Bước sang Giai đoạn 2A, CLJOC tiếp tục triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật mới. Đáng chú ý là giếng ST-8P được thiết kế theo phương pháp Stress Caging - lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, giúp khoan an toàn qua tầng vỉa phức tạp và giữ ổn định sản lượng. Những cải tiến này thể hiện năng lực sáng tạo và khả năng làm chủ công nghệ của đội ngũ kỹ sư CLJOC.
Tính từ năm 2020 đến 2024, hệ số vận hành trung bình toàn cụm mỏ Sư Tử đạt 99,7%, phản ánh khả năng duy trì sản xuất liên tục và an toàn trong điều kiện ngoài khơi khắc nghiệt. CLJOC đã thiết lập một mô hình vận hành tích hợp, kết nối đồng bộ giữa các giàn khai thác, giàn nén và hệ thống đường ống đưa khí về bờ, qua đó tối ưu chi phí và tăng độ sẵn sàng cho toàn bộ hệ thống.

Người lao động CLJOC trên cụm giàn Sư Tử Trắng
Toàn bộ công tác vận hành tại cụm mỏ Sư Tử hiện do đội ngũ kỹ sư Việt Nam đảm nhiệm, từ giám sát khai thác, vận hành thiết bị đến xử lý các tình huống kỹ thuật phức tạp ngoài khơi. Lực lượng kỹ thuật trong nước không chỉ điều hành hệ thống giàn nén khí áp suất cao một cách ổn định, mà còn trực tiếp tham gia tối ưu quy trình, phân tích dữ liệu và đưa ra các quyết định vận hành cốt lõi. Sự trưởng thành về chuyên môn và năng lực điều hành thực địa đã khẳng định trình độ tự chủ công nghệ của người Việt trong lĩnh vực khai thác khí ngoài khơi - một lĩnh vực đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao và môi trường làm việc đầy khắc nghiệt.
Triển vọng và định hướng tương lai
Giai đoạn 2B của Dự án mỏ Sư Tử Trắng đang được chuẩn bị triển khai trên nền tảng kỹ thuật, tổ chức và pháp lý đã tích lũy từ các giai đoạn trước. Ngày 22/4 vừa qua, lễ ký kết Thỏa thuận khung cho Giai đoạn 2B đã diễn ra, thiết lập các nguyên tắc chính cho Thỏa thuận mua bán khí, làm cơ sở cho việc khoan 3 giếng mới và phát triển toàn diện mỏ Sư Tử Trắng theo đúng kế hoạch.
Dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), PVEP và Nhà điều hành CLJOC đang tích cực phối hợp với các đối tác nước ngoài trong Tổ hợp nhà thầu thúc đẩy quá trình các thủ tục pháp lý liên quan theo đúng quy định của Luật Dầu khí 2022. Hợp đồng chia sản phẩm (PSC) Lô 15-1, Kế hoạch phát triển mỏ (FDP) và Hợp đồng mua bán khí (GSPA) giai đoạn 2B đang được triển khai đồng bộ với sự tham gia hiệu quả của các bên liên quan, nhằm bảo đảm mục tiêu đưa dòng khí đầu tiên (First Gas) vào quý III năm 2026.

Lễ ký kết Thỏa thuận khung Dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2B
Dự án Giai đoạn 2B dự kiến cung cấp khoảng 17,05 tỷ mét khối khí và 74 triệu thùng dầu - condensate, góp phần duy trì ổn định nguồn cung khí cho khu vực Đông Nam Bộ trong trung hạn. Bên cạnh sản lượng bổ sung, dự án đóng vai trò kết nối chặt chẽ giữa khai thác tài nguyên với phát triển hạ tầng năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình khí - điện - đạm hiện hữu. Trên cơ sở đó, Giai đoạn 2B tạo dư địa để gia tăng trữ lượng thu hồi, tối ưu giá trị tài nguyên và đóng góp ổn định cho ngân sách Nhà nước. Việc tổ chức triển khai theo định hướng xanh, hiệu quả và đồng bộ cũng thể hiện bước đi thực chất trong chiến lược chuyển dịch năng lượng quốc gia.
Với vai trò dẫn dắt, Petrovietnam đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu lớn về an ninh năng lượng, tăng trưởng bền vững và phát triển hạ tầng năng lượng hiện đại cho đất nước. Và Phát triển mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2B chính là một trong những dự án tiêu biểu cho chiến lược này.
Trúc Lâm