Đồng Tháp: Báo động tình trạng khai thác đất mặt trái phép
Tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện và xử lý 39 vụ việc liên quan đến khai thác đất trái phép, trong đó các huyện biên giới như Tân Hồng, Hồng Ngự và Tam Nông là những 'điểm nóng'.
Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp vừa có báo cáo về tình trạng khai thác đất mặt trái phép đang diễn ra phức tạp tại nhiều huyện trong tỉnh.
Hiện tượng khai thác đất mặt gây lãng phí, tác động xấu đến tình hình chính trị của địa phương và đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật đất đai.
Theo sở TN&MT, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đã tự ý khai thác hoặc tự mua đất để khai thác bán cho nhà máy làm gạch hoặc làm vật liệu san lấp đất nền (thay cát), làm mất an ninh trật tự địa phương và hành vi hủy hoại đất đai.
Mặc khác, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã lợi dụng việc sử dụng đất được đào từ đất nuôi trồng thủy sản (ao nuôi cá tra) đem bán cho doanh nghiệp thu lợi bất chính, hủy hoại đất nghiêm trọng, khó phục hồi, cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh đất mặt, đất nông nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật đất đai, Luật Khoáng sản và Nghị định của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và tài nguyên nước và khoáng sản. Dù các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, thực hiện kiểm tra và xử lý nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, đặc biệt tại các huyện biên giới như Tân Hồng, Hồng Ngự và Tam Nông.
Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện 39 vụ khai thác đất mặt trái phép. Trong đó huyện Tân Hồng phát hiện 27 vụ, chiếm phần lớn số vi phạm.
Nhiều trường hợp tự ý đào đất trồng lúa để làm ao nuôi thủy sản hoặc bán đất cho các công trình san lấp. Huyện Hồng Ngự ghi nhận 5 vụ, phần lớn liên quan đến việc tự ý hạ thấp mặt ruộng để thuận tiện sản xuất. Huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông mỗi huyện ghi nhận từ 1 đến 3 vụ việc, trong đó có các trường hợp buộc khôi phục đất ban đầu và nộp phạt hành chính hàng chục triệu đồng.
Sở TN&MT đánh giá các biện pháp xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ mạnh để ngăn chặn hành vi vi phạm, đặc biệt là ở những khu vực biên giới.
Nguyên nhân do nguồn cung cát san lấp hạn chế, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp tại các địa phương ngày càng tăng, khiến tình trạng khai thác đất mặt trái phép diễn ra phổ biến.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nhiều vụ vi phạm diễn ra nhưng bị phát hiện chậm hoặc xử lý không triệt để. Một số cá nhân, doanh nghiệp cố tình vi phạm vì lợi nhuận cao từ việc bán đất mặt.
Nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc khai thác lớp đất mặt trên đất nông nghiệp, dần đưa công tác quản lý nhà nước về đất đai đi vào nề nếp, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, bao gồm tăng cường kiểm tra liên ngành giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương để kiểm tra định kỳ và đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Xử lý trách nhiệm lãnh đạo địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác trái phép kéo dài.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai, khoáng sản để người dân và doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định. Thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh từ người dân, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm…