Thu hồi đất công ở miền biển Cà Mau sao cho thấu tình, hợp lý
Hàng chục hộ dân tại khóm 7, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sắp phải dọn đồ đi ở nhờ, hoặc tìm nơi khác trú ngụ. Bởi, nơi bà con đang sinh sống thuộc diện đất công do Nhà nước quản lý, đang thực hiện giải tỏa, cưỡng chế…
Liên quan khu đất đang thực hiện cưỡng chế nêu trên, trước đó, Báo Nhân Dân đã có bài viết phản ảnh “Cần làm rõ việc sử dụng đất công ở huyện Trần Văn Thời”, số ra ngày 23/4/2016 và “Cần xử lý nghiêm sai phạm về quản lý đất đai ở thị trấn Sông Đốc”, số ra ngày 17/6/2019. Tuy nhiên, việc thực hiện thiếu quyết liệt đã kéo theo nhiều hệ lụy cho cả chính quyền và người dân...
Lỏng lẻo khâu đầu, đau đầu khâu cuối
Vào năm 2012, doanh nghiệp của ông Lê Thanh Tiền được Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời cho thuê (theo Quyết định số 136/QĐ-UBND ngày 3/4/2012) phần đất công hơn 7.500m2, nằm dọc tuyến đường Tắc Thủ-Sông Đốc (thuộc khóm 7) để làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh trại sản xuất tôm giống. Đất thuê có thời hạn 4 năm, tổng số tiền nộp cho Nhà nước khoảng 382 triệu đồng (làm tròn số).
Sau khi thuê được đất, ông Tiền không thực hiện đúng phương án kinh doanh ban đầu mà tiến hành san lấp mặt bằng, rồi sử dụng hơn 4.700m2 đất trong số đó để phân lô, chuyển nhượng lại bằng nhiều hình thức khác nhau cho hàng chục hộ khác, thu về tiền tỷ.
Sau khi có phản ảnh của Báo Nhân Dân, Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời vào cuộc xác minh, đến ngày 23/5/2016, ban hành Quyết định số 79/QĐ-UBND, về việc thu hồi toàn bộ phần đất công mà ông Tiền đã thuê.
Không lâu sau, nhiều cán bộ liên quan đến việc thuê đất công của ông Tiền bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau, thậm chí bị điều chuyển công tác. Vậy nhưng, việc thu hồi đất công thì triển khai chậm trễ, kéo dài đến tận ngày nay.
Trở lại khu vực đất công mà ông Tiền thuê khi xưa trong những ngày cuối tháng 11, nay đã thành dãy nhà phố liền kề, kinh doanh đủ loại mặt hàng như một khu chợ, từ tạp hóa, trái cây, ăn uống, ngư lưới cụ, đồ sắt, kim khí điện máy… Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho hay, việc buôn bán trong hơn 1 tháng qua khá trầm lắng bởi toàn khu vực trên đang thực hiện việc giải tỏa, di dời.
Bà Lê Thái Nga, một trong nhiều hộ buôn bán trái cây tại khóm 7 có nhà trên đất công thuộc diện thu hồi, bức xúc: “Ông Tiền thì được thuê đất công để làm mặt bằng kinh doanh, chúng tôi cũng xin thuê lại đất công làm mặt bằng buôn bán, kinh doanh nhưng không được chấp thuận".
Cùng tâm trạng trên, bà Nguyễn Thị Nhung có nhà gần đó, nói: “Chúng tôi kém hiểu biết về pháp luật đất đai nên mua lại phần đất thuê sắp hết hạn từ ông Tiền đã chuyển nhượng lại cho người khác, rồi đầu tư cả đống tiền của vào đó để xây nhà, kinh doanh ổn định gần chục năm qua. Nay bắt tháo dỡ, di dời hết thì thiệt hại quá lớn, sao chúng tôi có thể gượng dậy nổi”.
Số liệu được cung cấp từ Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời, trong khu đất ông Tiền thuê trước đây có tổng số 39 ô đất liên quan đến 35 hộ gia đình, cá nhân. Trong đó có 29 hộ đã hình thành công trình nhà trên đất thuê để ở kết hợp kinh doanh. Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau tại công văn số 6382/UBND-BTCD (ngày 6/8/2024), toàn bộ khu vực 39 ô đất nêu trên buộc phải giải tỏa, di dời, nếu không tự nguyện chấp hành sẽ thực hiện biện pháp cưỡng chế.
Câu chuyện đất công ở miền biển Sông Đốc khiến không ít cán bộ tại địa phương bị kỷ luật. Trong khi đó, ngân sách thì thất thu nguồn thuê đất công, vì từ khi thuê lại đất từ ông Tiền, người dân được ở “miễn phí” trong suốt thời gian dài nhưng không phải nộp dù chỉ một đồng tiền thuê đất…
Những vấn đề vừa nêu là hậu quả, có một phần nguyên nhân xuất phát từ hộ nhận thuê đất công ban đầu là ông Tiền. Bằng nhiều cách “phù phép” khác nhau, ông Tiền đã chuyển nhượng lại đất công cho nhiều hộ dân, thu lợi tiền tỷ nhưng vì sao đến nay vẫn bình yên vô sự…? Trong khi đó, chính quyền vào cuộc khắc phục hậu quả, không chỉ tốn công, tốn sức mà còn hao tiền tốn của từ ngân sách, cả của người dân, thiệt đơn thiệt kép...
Tiếp cận cách nào để bớt thiệt hại cho dân?
Những người dân sống lâu năm ở Sông Đốc cho hay, dọc tuyến lộ nhựa Tắc Thủ-Sông Đốc ngày trước có con kênh, người dân tứ xứ đến xây nhà sàn tạm bợ để làm nơi trú ngụ. Kênh bồi lắng dần theo thời gian nhờ phế thải là vỏ sò, tro trấu… từ các nhà máy chế biến thủy sản và bột cá. Sau này, khi người dân thuê được đất từ ông Tiền, bà con đã bỏ thêm tiền san lấp, bồi đắp thành nền cao ráo để cất nhà ở và làm nơi buôn bán, kinh doanh cho đến nay.
Trong một thời gian dài, người dân khu vực khóm 7 nhiều lần gửi đơn tập thể kiến nghị, thỉnh cầu lãnh đạo huyện, tỉnh giao đất hoặc cho thuê lại phần đất công nêu trên để ổn định việc buôn bán, kinh doanh.
Theo trình bày trong đơn, mục đích sau cùng của việc giải tỏa cũng là để kêu gọi đầu tư trên đất dịch vụ thương mại, sử dụng đất công đúng mục đích, hiệu quả. Nếu được thuê thì bà con cam kết sử dụng vào đúng mục đích như vậy và cam kết thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ về tài chính đối với Nhà nước… Tuy nhiên, các nguyện vọng của người dân không được chấp thuận.
Trong đơn kiến nghị ngày 22/8/2024 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, tập thể những hộ tiểu thương khu vực khóm 7 cũng nói rõ: "Tại thời điểm chúng tôi xây dựng các công trình trên phần đất này, không có cán bộ chính quyền địa phương nào đến nhắc nhở hay lập biên bản ngăn chặn. Do vậy, cái sai của chúng tôi (nếu có) cũng có phần trách nhiệm quản lý sử dụng đất từ các cấp chính quyền địa phương".
Sau thời gian dài xử lý đơn thư phản ảnh, kiến nghị của người dân, ngày 6/8/2024 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau “chốt” bằng công văn 6382/UBND-BTCD nhằm chấn chỉnh vụ việc đất công tại khóm 7 thị trấn Sông Đốc.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời được yêu cầu thực hiện nhiều vấn đề liên quan đến xử lý, thu hồi đất công, cả việc hỗ trợ nơi ở tạm thời (thuê nhà trọ) cho các hộ dân có đất tại khu vực phải thu hồi trước khi tiếp tục thực hiện việc cưỡng chế.
Với các hộ không chấp hành, không tự nguyện tháo dỡ các công trình trên đất thì tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi đất theo quy định, tránh tình trạng triển khai kéo dài như thời gian qua, gây phát sinh các vụ việc khác phải giải quyết…
Thực hiện chủ trương của tỉnh, đến ngày 25/11 vừa qua, huyện Trần Văn Thời đã thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động, cưỡng chế và đã giao đất cho chính quyền thị trấn Sông Đốc quản lý được 10/39 ô đất tại khóm 7. Số còn lại phải tiếp tục thực hiện cưỡng chế để khắc phục hậu quả là 29 ô đất/27 cá nhân vi phạm.
Đồng tình với chủ trương thực hiện đúng quy hoạch đất thương mại dịch vụ, trồng cây xanh tại khóm 7, nhưng một số doanh nghiệp lớn ở miền biển Sông Đốc cho rằng, nếu chính quyền và các đơn vị chức năng có cách tiếp cận nào khác, vừa đạt được mục đích thu hồi đất công nhưng giúp dân giảm bớt thiệt hại thì quá tốt?
Cách thức mà một số doanh nghiệp đưa ra là: Dân phải cam kết tự nguyện bàn giao toàn bộ đất công cho Nhà nước, nhưng chậm việc tháo dỡ công trình. Sau đó, tập thể các hộ dân thành lập doanh nghiệp, có đủ pháp nhân để thực hiện đấu giá đất khi Nhà nước triển khai kêu gọi đầu tư. Một khi trúng đấu giá, doanh nghiệp (từ các hộ dân thành lập) sẽ chỉnh trang diện mạo, thực hiện đúng quy hoạch được phê duyệt, cả về điều kiện kinh doanh, vỉa hè, cây xanh, không gian đô thị…
Theo Tiến sĩ Phạm Quốc Sử, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, tập thể các hộ dân tại Sông Đốc có thể thành lập doanh nghiệp để đủ pháp nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất thương mại dịch vụ khi Nhà nước thực hiện kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, quỹ đất công đủ điều kiện để kêu gọi đầu tư bắt buộc phải là quỹ đất sạch. Áp vào trường hợp tại khóm 7 thị trấn Sông Đốc, quỹ đất công trên bắt buộc phải giải tỏa, di dời mới đủ điều kiện đất sạch để kêu gọi đầu tư.
Cũng theo Tiến sĩ Phạm Quốc Sử, để giảm bớt thiệt hại, các hộ dân tại khóm 7 (thị trấn Sông Đốc) có thể khởi kiện dân sự đối ông Tiền – phía chủ hộ đã cho người dân thuê lại đất và khả năng thắng kiện rất cao. Một khi tòa tuyên thắng kiện, phía ông Tiền sẽ có trách nhiệm bồi thường cho bà con giá trị đã chuyển nhượng ban đầu và những chi phí phát sinh ngoài hợp đồng (chi phí đầu tư công trình trên đất).
Lãnh đạo huyện cảm thấy xót xa một khi phải tháo dỡ nhà của bà con nếu bà con không tự nguyện chấp hành. Nhưng đây là phương án sau cùng, không thể không làm vì sẽ tạo nên tiền lệ xấu. Ngày trước, nếu sớm phát hiện để ngăn từ đầu thì sự việc không đi quá xa như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) Nguyễn Thế Châu chia sẻ.