Thủ đoạn tinh vi sản xuất và tuồn 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất ra thị trường
Để qua mắt lực lượng chức năng, dễ dàng 'tuồn' giá đỗ ra thị trường, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi.
'Tuồn' 3.500 tấn giá đỗ ngâm chất cấm ra thị trường
Thời gian gần đây, người dân liên tục nhận thông tin sốc khi cơ quan chức năng liên tục phá nhiều chuyên án lớn về sữa giả, thuốc giả rồi hàng ngàn tấn giá đỗ ngâm, tưới hóa chất vừa được Công an Nghệ An triệt phá. Theo đó, ngày 20/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (Công an Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng về hành vi Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

4 đối tượng tại cơ quan công an.
Các đối tượng gồm Lưu Mạnh Hưởng (SN 1993), Lưu Văn Trung (SN 1997), cùng trú tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Trần Khắc Duy (SN 1990) và Nguyễn Văn Hướng (SN 1998), cùng trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An.
Trước đó, cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đường dây này do một số đối tượng ngoại tỉnh cấu kết với đối tượng trên địa bàn sản xuất giá đỗ sử dụng hóa chất nhằm tăng sản lượng, thu lợi nhuận cao hơn bình thường.

Hàng ngàn lu chứa giá đỗ ngâm hóa chất mà 4 cơ sở sản xuất vừa bị Công an Nghệ An triệt phá.
Cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP. Vinh. Tang vật thu giữ gồm gần 2.000 lu chứa giá đỗ các loại có tổng khối lượng khoảng 25 tấn giá đỗ; 25 lít dung dịch hóa chất "nước kẹo" (tên khoa học là chất 6-Benzylaminopurine (6 - BAP) nguyên chất và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ cùng một số tang vật liên quan khác.
Quá trình điều tra mở rộng chuyên án, cơ quan điều tra làm rõ, để giá đỗ to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt hơn, bán thu lợi nhuận cao hơn, từ năm 2024 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã sản xuất và bán ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm có sử dụng "nước kẹo" ngâm, tưới giá đỗ.

Hàng tấn giá đỗ ngâm hóa chất được các đối tượng tuồn ra các chợ đầu mối trên địa bàn.
Theo cơ quan chức năng, hóa chất 6 - BAP mà các đối tượng sử dụng tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu con người tiếp xúc hoặc ăn phải sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng như ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa (gây tổn thương thực quản, niêm mạc dạ dày và dẫn đến buồn nôn), ảnh hưởng hô hấp (gây khó thở, tổn thương phổi, viêm phổi, làm tăng nặng các bệnh về phổi, phế quản, thậm chí xơ phổi)…
Hoạt động vào ban đêm, rạng sáng
Để qua mắt lực lượng chức năng và tuồn ra thị trường, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Địa điểm được các đối tượng chọn xa khu dân cư, ít người qua lại. Xung quanh cơ sở được che chắn kín mít bằng các vật liệu như bạt, tôn, lưới… để người bên ngoài khó tiếp cận. Hoạt động chủ yếu vào ban đêm hoặc rạng sáng.

Chất cấm được tưới vào giá đỗ để sản phẩm to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt, bán giá cao hơn.
Theo lời khai của các đối tượng, để rút ngắn thời gian sinh trưởng và kéo dài thời gian bảo quản, giúp sản lượng giá đỗ cao hơn thông thường (giá đỗ to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt hơn), thu lợi nhuận cao hơn nên sử dụng "nước kẹo" là hóa chất 6- BAP để tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất.
Theo điều tra ban đầu, trung bình mỗi ngày, mỗi cơ sở sản xuất khoảng 3 - 5 tấn giá đỗ, sau đó bán cho các tiểu thương tại các chợ đầu mối trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh phụ cận với giá 10.000 - 15.000 đồng/1kg.


Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các cơ sở hoạt động chủ yếu vào ban đêm hoặc rạng sáng.
Đáng nói, các đối tượng Lưu Mạnh Hưởng, Lưu Văn Trung, Trần Khắc Duy và Nguyễn Văn Hướng nhận thức được việc sử dụng hóa chất 6 - BAP để sản xuất giá đỗ là sai, vi phạm pháp luật, song do hám lời nên vẫn tiếp tục sử dụng hóa chất trên để sản xuất, nuôi trồng giá đỗ. "Nước kẹo" này được các đối tượng đặt mua từ một người đàn ông (không rõ lai lịch, địa chỉ) thông qua mạng xã hội.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc chọn mua, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Nên mua thực phẩm tại những cơ sở uy tín, có đầy đủ giấy phép kinh doanh, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kiểm tra kỹ nguồn gốc, hạn sử dụng, bao bì sản phẩm, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng, không nhãn mác, trôi nổi trên thị trường. Khi phát hiện các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, cần báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất để kịp thời xử lý.