Cần kiên quyết hơn trong xử lý đối tượng phá rừng trái pháp luật tại Điện Biên
Xác nhận thực trạng nhiều vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết, số vụ được phát hiện trong 3 tháng đầu năm đã tăng 113 vụ (137% so với cùng kỳ năm trước) làm thiệt hại 63,77ha rừng. Điều đáng nói, số vụ phá rừng được phát hiện tập trung chủ yếu ở các huyện nằm trong diện 'điểm nóng' phá rừng, như: Mường Chà, Tuần Giáo và huyện Điện Biên.

Lực lượng chức năng kiểm đếm thiệt hại do một vụ phá rừng trái pháp luật tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Thực trạng này đang gióng hồi chuông cảnh báo đối với cấp ủy, chính quyền địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, có biện pháp xử lý kiên quyết hơn các đối tượng phá rừng.
Đề cập chi tiết các vụ phá rừng trái pháp luật được phát hiện trong 3 tháng qua (từ 15/12/2024-15/3/2025), ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết, trong số 195 vụ phá rừng được các cơ chức năng và chính quyền địa phương phát hiện thì đứng đầu danh sách là huyện Tuần Giáo với tổng số 59 vụ (trong đó 57 vụ xử lý hành chính, 2 vụ xử lý hình sự); huyện Điện Biên với tổng số 44 vụ (xử lý hành chính 31 vụ, xử lý hình sự 13 vụ); huyện Mường Chà 26 vụ (25 vụ xử lý hành chính, 1 vụ xử lý hình sự); huyện Tủa Chùa phát hiện 18 vụ đều thuộc diện xử lý hành chính; huyện Điện Biên Đông phát hiện 11 vụ đều ở mức xử lý vi phạm hành chính.

Lực lượng chức năng thống kê thiệt hại vụ phá rừng xảy ra tại khoảnh 3, tiểu khu 791 bản Phì Cao, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, chia sẻ: Trong số các huyện xảy ra phá rừng, cá biệt hơn cả là huyện Tuần Giáo với tổng số vụ được phát hiện (59 vụ) trong 3 tháng đầu năm 2025 đã gấp 1,9 lần tổng số vụ phá rừng trong cả năm 2024; huyện Tủa Chùa phát hiện số vụ phá rừng mới gấp 1,2 lần so với năm 2024.
Riêng huyện Điện Biên, ngoài chiếm tỷ lệ cao về số vụ phá rừng trong toàn tỉnh thì huyện này còn có nhiều vụ vi phạm đến mức phải xử lý hình sự.
Bà Lò Thị Thi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên cho biết, chỉ trong 3 tháng số vụ vi phạm về phá rừng được phát hiện đã tăng 25 vụ (125%) so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng phá rừng xảy ra chủ yếu tại các xã: Mường Nhà (7 vụ), Mường Lói (12 vụ), Mường Pồn (9 vụ), Na Ư (4 vụ), Hua Thanh (7 vụ), Núa Ngam (3 vụ)… Đây đều là các xã đã từng phát hiện vụ việc phá rừng có tính chất phức tạp nhưng không phát hiện được cá nhân hay tổ chức vi phạm, do đó việc xác lập hồ sơ xử lý các vụ phá rừng này rất khó khăn và không có tính răn đe.
Dẫn chứng cụ thể tại điểm nóng phá rừng ở xã Mường Nhà, ông Phạm Văn Thành, Phó Trưởng phòng Điều tra xử lý vi phạm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ rõ: Năm 2024, tại xã Mường Nhà phát hiện 20 vụ phá rừng thiệt hại 16ha, trong đó có vụ việc vi phạm xảy ra từ khoảng tháng 11/2023 không được xã phát hiện xử lý dẫn đến hệ lụy phá rừng tại địa bàn này càng phức tạp hơn. Mới đây, ngày 10/1/2025 tại xã Mường Nhà, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện một vụ phá rừng phòng hộ lên tới 11.980m2 xảy ra tại khoảnh 3, tiểu khu 791 thuộc địa phận bản Phì Cao. Hiện tại, việc xác minh đối tượng phá rừng tại Mường Nhà đang rất khó khăn.
Xâu chuỗi các số liệu về tình trạng phá rừng tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Mường Chà từ năm 2022 đến nay, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng: Tình trạng phá rừng vẫn xảy ra, nguyên nhân phần lớn là do không xác định được đối tượng phá để xử lý nghiêm khắc dẫn tới “nhờn” luật. Cấp ủy, chính quyền một số xã không sâu sát, có biểu hiện xuề xòa, cố tình che giấu vi phạm tại địa bàn.
Thực trạng này đã và đang tiềm ẩn nguy cơ đe dọa các cánh rừng và trọng trách với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng thêm nhiều áp lực hơn.

Vụ phá rừng phòng hộ tại khoảnh 31, tiểu khu 778, thuộc địa bàn bản Púng Bửa, xã Na Ư, huyện Điện Biên xảy ra cuối năm 2024 làm thiệt hại 10.520m2. Vậy nhưng đến nay lực lượng chức năng, chính quyền địa phương vẫn chưa tìm được đối tượng phá rừng để xử lý theo quy định pháp luật.
Qua kiểm tra, điều tra, xác minh các vụ việc phá rừng ở các huyện, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên nhận định, nguyên nhân khiến tình trạng phá rừng trái pháp luật tăng và có chiều hướng ngày càng diễn biến phức tạp gồm cả khách quan và chủ quan.
Cụ thể, nguyên nhân khách quan là do phong tục tập quán, nhu cầu lấy gỗ làm nhà, chất đốt và đất nương sản xuất của người dân lớn trong khi điều kiện kinh tế của người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số còn khó khăn cho nên thói quen vào rừng lấy gỗ, phát cây làm nương đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa thực hiện hết trách nhiệm được giao trong quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Nhiều xã còn coi đó là nhiệm vụ của kiểm lâm và các cơ quan chức năng, cho nên ngay cả khi phát hiện vụ phá rừng tại địa bàn thì xã lại thờ ơ, không chỉ đạo giải quyết.
Tại xã Mường Nhà (huyện Điện Biên), năm 2024 phát hiện 20 vụ phá rừng trái pháp luật đều ở gần khu vực có đường giao thông thuận tiện, thế nhưng chính quyền xã gần như không phát hiện sớm để ngăn chặn, chỉ khi lực lượng kiểm lâm tuần tra phát hiện thì xã mới vào cuộc.
Cùng trên địa bàn huyện Điện Biên, nhưng ở xã Na Ư phát hiện 6 vụ phá rừng (năm 2022), đến năm 2023 phát hiện 11 vụ; năm 2024 phát hiện 12 vụ phá rừng làm thiệt hại 17ha nhưng chỉ có 6/12 vụ lập được biên bản sự việc để điều tra xử lý, còn 6 vụ không lập được biên bản vi phạm vì người dân chống đối, không hợp tác với lực lượng chức năng.
Cùng có tình trạng phá rừng như hai xã (Mường Nhà, Na Ư) ở huyện Điện Biên, song tại 2 xã là điểm nóng phá rừng thuộc huyện Mường Chà là Huổi Mí và Sá Tổng thì lãnh đạo xã còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không xử lý triệt để các vụ phá rừng được phát hiện trong năm 2023 vì thế dẫn tới tình trạng phá rừng trong năm 2024 càng phức tạp hơn.
Tại báo cáo số 499/BC-UBND ngày 30/8/2024 của Ủy ban nhân dân huyện Mường Chà ghi rõ: Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2024 xã Huổi Mí xảy ra 17 vụ phá rừng làm thiệt hại 8ha; xã Sá Tổng xảy ra 28 vụ làm thiệt hại 15ha; nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng đều ở vị trí thuận tiện đường giao thông, gần cạnh bản và có điểm gần ngay trụ sở ủy ban nhân dân xã Huổi Mí thế nhưng xã vẫn không biết. Với xã Sa Tổng thì lãnh đạo xã còn có biểu hiện giấu giếm tình trạng phá rừng trên địa bàn.
Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phá rừng, tháng 2/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã lập đoàn kiểm tra thực hiện các quy định và trách nhiệm của ủy ban nhân dân 15 xã thuộc 5 huyện, gồm: Điện Biên, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên Đông.
Qua kiểm tra, Sở đã chỉ rõ các hạn chế, nguyên nhân khiến tình trạng phá rừng tại các xã, các huyện đồng thời đề nghị Huyện ủy, Ủy ban nhân dân các huyện chỉ đạo các cơ quan vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Đồng thời đề nghị các huyện chỉ đạo các xã có điểm “nóng” tình trạng phá rừng phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.
Đáp lại đề nghị này, Ủy ban nhân dân 5 huyện đã chỉ đạo các xã kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, vậy nhưng kết quả là kiểm điểm đều dừng ở mức “nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc trước ủy ban nhân dân huyện”.
Và đương nhiên, chiểu theo kết quả kiểm điểm ấy, thì không cá nhân nào và không tập thể nào phải chịu trách nhiệm khi tình trạng rừng bị phá tăng cả số vụ và diện tích.
Mới đây, đầu tháng 4/2025 khi nhóm phóng viên về Na Ư - một trong những xã thuộc diện "điểm nóng phá rừng" ở huyện Điện Biên, đã tiếp nhận thêm thông tin về các vụ phá rừng trái pháp luật mới vừa được kiểm lâm địa bàn phát hiện. Trong khi hồ sơ theo dõi thực trạng phá rừng năm trước tại xã này vẫn còn gần chục vụ vi phạm đến mức phải xử lý hình sự... vẫn chưa thể xử lý vì không tìm được đối tượng phá rừng.
Làm việc với chúng tôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Na Ư Sùng A Di thẳng thắn thừa nhận tình trạng phá rừng, nhưng liền ngay sau đó vị chủ tịch xã Na Ư dẫn ra một loạt khó khăn để giải thích cho câu hỏi "vì sao gia tăng các vụ phá rừng ở địa bàn", trong khi khoản 4 Điều 102 Luật Lâm nghiệp đã ghi rất rõ: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về cháy rừng, phá rừng hoặc mất rừng do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng gây ra thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý”.