Thủ đoạn khó lường của tội phạm lừa đảo trực tuyến

Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, về tội phạm công nghệ cao nhưng trên thực tế, với những chiêu trò vô cùng tinh vi thì vẫn không ít người bị 'sập bẫy'.

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức đầu tư chứng khoán bị bắt giữ.

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức đầu tư chứng khoán bị bắt giữ.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2025 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận, điều tra, xác minh và đấu tranh xử lý hơn 70 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Qua các vụ việc, Công an tỉnh Thanh Hóa nhận thấy có một số thủ đoạn phổ biến mà các đối tượng thường lợi dụng là sự nhẹ dạ, cả tin, lòng tham vật chất và sự sợ hãi của bị hại, đặc biệt là phụ nữ và người cao tuổi. Phương thức, thủ đoạn phổ biến hiện nay khiến người dân dễ bị “mắc bẫy” đó là: đối tượng lập nick giả người thân để lừa đảo; giả dạng shipper lừa tiền; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, ngân hàng; hack tài khoản mạng xã hội; kết bạn làm quen tặng quà qua mạng; mạo danh nhân viên điện lực để lừa đảo; thủ đoạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản, kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo với lợi nhuận cao; tạo lập trang (fanpage), hội nhóm mạng xã hội giả mạo doanh nghiệp du lịch, bán vé máy bay để lừa tiền đặt cọc...

Ngoài những thủ đoạn trên, các đối tượng lừa đảo trực tuyến đã vẽ ra những kịch bản cụ thể, bài bản, chuyên nghiệp kết hợp nhiều hình thức, công nghệ cao như AI, deepfake để chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Thậm chí, tội phạm còn sử dụng công nghệ để cắt ghép hình ảnh, video nhạy cảm nhằm đe dọa, khống chế tinh thần và tống tiền nạn nhân. Đối tượng bị nhắm đến thường là người có uy tín, có địa vị xã hội và tiềm lực tài chính, khiến thủ đoạn này trở nên đặc biệt nguy hiểm và đáng báo động.

Một thủ đoạn khác cũng hết sức tinh vi, đó là các đối tượng sử dụng các đầu số 022, 024, 028... để thực hiện những cuộc gọi chỉ kéo dài khoảng vài giây rồi cúp máy, khiến người dùng không rõ người gọi là ai và với mục đích gì. Những “cuộc gọi nháy máy” kiểu này có thể là bước mở đầu cho các thủ đoạn lừa đảo. Mục đích chính là xác thực các dữ liệu mà đối tượng lừa đảo đã thu thập, từ đó phân loại người dùng để lên kịch bản lừa đảo sau này. Khi người dùng nghe máy hoặc phản hồi, kẻ gian biết số điện thoại đó còn hoạt động và đưa vào danh sách để bán dữ liệu cho bên thứ ba, hoặc giọng nói của người dùng có thể bị lợi dụng để giả danh trong các cuộc gọi khác.

Ngoài ra, hiện nay đang xuất hiện thêm các hình thức lừa đảo khác với các thủ đoạn mới và tinh vi hơn như: tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá, hoạt động “tín dụng đen” cho vay nặng lãi qua các trang mạng điện tử, “app” vay tiền; lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức chơi game “tài xỉu”... Điển hình, ngày 10/4/2025, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đấu tranh, triệt xóa nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức chơi game tài xỉu do đối tượng Bùi Anh Trung, sinh năm 1996 ở xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội cầm đầu. Thủ đoạn của các đối tượng này là sử dụng tài khoản ngân hàng, phần mềm giả mạo game “tài xỉu” và phần mềm giả mạo ứng dụng của các ngân hàng, sau đó sử dụng các tài khoản facebook để livestream nhằm lôi kéo, dụ dỗ người xem tham gia đánh “tài xỉu” với lời hứa hẹn chắc chắn sẽ thắng và sẽ chuyển lại cho họ số tiền gấp 10 lần số tiền họ đã chuyển. Thế nhưng, khi người chơi chuyển tiền thì các đối tượng đã chiếm đoạt và chặn mọi liên lạc với người chơi.

Thượng tá Nguyễn Xuân Toán, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Với tội phạm trên không gian mạng luôn có những thay đổi, biến thể của các thủ đoạn, công tác phòng ngừa luôn là công tác trọng tâm, then chốt và cốt lõi của lực lượng Công an Thanh Hóa. Từ chủ trương, nhận thức như vậy, Công an Thanh Hóa trong thời gian tới tiếp tục sử dụng tổng thể các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là công tác tuyên truyền để thông tin thủ đoạn của tội phạm về lừa đảo trên không gian mạng nhanh chóng, kịp thời, xuyên suốt và đồng bộ đến được với người dân, để người dân cập nhật một cách nhanh nhất, tránh sập bẫy các thủ đoạn của tội phạm. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, mỗi người dân khi sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo nhận diện các chiêu trò của tội phạm, đừng để lòng tin và sự sơ hở khiến mình vô tình trở thành con mồi của những kẻ lừa đảo”.

Bài và ảnh: Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thu-doan-kho-luong-nbsp-cua-toi-pham-lua-dao-truc-tuyen-249349.htm
Zalo