Đại biểu Lưu Bá Mạc: Bổ sung quy định thể hiện rõ hơn kết quả xét đơn xin ân giảm án tử hình

Chiều 20/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về một số dự thảo luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận ở tổ

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận ở tổ

Tham gia thảo luận ở tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.

Tại tổ các đại biểu đã thảo luận về nội dung: dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Trong số các đại biểu phát biểu thảo luận ở tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh có 1 đại biểu phát biểu.

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại mục 32 sửa đổi, bổ sung Điều 367, điểm e, khoản 1 quy định: “Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo Chủ tịch nước xét đơn xin ân giảm. Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày nhận được báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch nước xem xét quyết định ân giảm đối với người bị kết án. Trường hợp Chủ tịch nước quyết định ân giảm thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã xét xử sơ thẩm ra quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án. Hết thời hạn nêu trên mà không có quyết định ân giảm thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã xét xử sơ thẩm tổ chức việc thi hành bản án tử hình theo quy định”.

Đại biểu đề xuất cân nhắc bổ sung quy định để thể hiện rõ hơn kết quả xem xét đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước, theo hướng nếu chấp nhận việc ân giảm thì ban hành quyết định ân giảm, nếu không chấp nhận thì ban hành quyết định bác đơn hoặc có thông báo của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc không chấp nhận việc ân giảm. Không nên sử dụng cụm từ “hết thời hạn mà không có quyết định” như dự thảo, vì không phản ánh rõ ràng việc đơn đã được xem xét, dễ gây hiểu nhầm và thiếu cơ sở pháp lý cho địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện.

Đại biểu đề nghị sửa điểm e, khoản 1 Điều 367, bổ sung cụm từ “hoặc bác đơn xin ân giảm” vào sau cụm từ “Chủ tịch nước xem xét quyết định ân giảm đối với người bị kết án”; đồng thời bổ sung cụm từ “trường hợp Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm” thay cho cụm từ “hết thời hạn nêu trên mà không có quyết định ân giảm”.

Hoặc theo hướng nếu không có quyết định bác đơn, thì bổ sung quy định Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thông báo cho tòa án nhân cấp tỉnh đã xét xử sơ thẩm để Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã xét xử sơ thẩm tổ chức việc thi hành bản án tử hình theo quy định.

DƯƠNG DUYÊN - VIỆT THUẬN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dai-bieu-luu-ba-mac-bo-sung-quy-dinh-the-hien-ro-hon-ket-qua-xet-don-xin-an-giam-an-tu-hinh-5047667.html
Zalo