Thú cưng 'đi làm' tại quán càphê ở Trung Quốc để 'kiếm tiền ăn vặt'

Như một trào lưu tại Trung Quốc, những chú thú cưng 'làm việc' bán thời gian hoặc toàn thời gian tại các quán càphê chó mèo và sau đó trở về nhà với gia đình vào buổi tối, giống như con người.

Chú chó OK "làm việc bán thời gian" tại một quán càphê ở Phúc Châu (Trung Quốc). (Nguồn: CNN)

Chú chó OK "làm việc bán thời gian" tại một quán càphê ở Phúc Châu (Trung Quốc). (Nguồn: CNN)

Jane Xue đã gửi cún cưng của mình, một chú chó Samoyed 2 tuổi tên là OK, đến “nơi làm việc” lần đầu tiên vào giữa tháng Chín. “Nhà tuyển dụng” của OK là một quán càphê chó ở Phúc Châu, Đông Nam Trung Quốc.

"Tôi cảm thấy việc này cũng giống như việc cha mẹ đưa con đến trường vậy" - nữ nghiên cứu sinh Tiến sỹ 27 tuổi chia sẻ với CNN khi cô đưa OK đến quán để “làm công việc bán thời gian mới.”

Xue muốn chú chó của mình “trải nghiệm một cuộc sống khác” vì cô thường ra ngoài vào cuối tuần.

"Gửi OK đến quán càphê là một giải pháp ‘đôi bên cùng có lợi.’ OK được chơi với những chú chó khác và sẽ không cảm thấy cô đơn nữa" - cô nói.

Quán càphê thú cưng là một ngành kinh doanh lớn ở Trung Quốc.

Khách đến quán có thể vui chơi với những chú thú cưng “thơ thẩn” trong cửa hàng, và chủ quán sẽ tính thêm phí cho trải nghiệm này.

Khách hàng đến các quán càphê chó mèo của Trung Quốc thường phải trả phí vào cửa, khoảng từ 30-60 nhân dân tệ (4-8,5 USD) cho một người hoặc chỉ cần gọi một thứ gì đó như một tách càphê.

Xue cho biết việc để OK “đi làm” tại quán càphê giúp cô tiết kiệm tiền. Nếu OK ở nhà, cô sẽ phải bật điều hòa cả ngày, điều này rất tốn kém.

“Mùa Hè ở Phúc Châu có thể rất khắc nghiệt” - cô nói thêm.

Ý tưởng của Xue có vẻ không bình thường, nhưng đây là xu hướng đang trở nên thịnh hành ở Trung Quốc. Xu hướng này được gọi là "Zhengmaotiaoqian" trong tiếng Trung, có nghĩa là "kiếm tiền ăn vặt."

Cụm từ này xuất phát từ ý tưởng rằng những chú thú cưng thực sự đang “làm việc” - bán thời gian hoặc toàn thời gian - tại các quán càphê chó mèo và sau đó trở về nhà với gia đình vào buổi tối, giống như con người vậy.

Việc “kiếm tiền ăn vặt” theo cách “dễ thương” này cũng là xu hướng của thời đại. Theo Goldman Sachs, Trung Quốc dự kiến sẽ có nhiều thú cưng hơn số trẻ em mới biết đi vào cuối năm nay.

Trong những tháng gần đây, cả chủ quán càphê và người nuôi thú cưng đều đăng quảng cáo “tuyển dụng” trên Xiaohongshu, một phiên bản Instagram của Trung Quốc.

Trong một bài đăng lan truyền có tiêu đề "Mức lương làm việc tại quán càphê mèo là bao nhiêu?," một chủ quán viết: "Nhiều người nói rằng họ muốn gửi mèo đến làm việc tại quán càphê mèo của chúng tôi… Để tôi cho các bạn biết mức lương của quán, vì chúng tôi vừa trả lương cho một số ‘nhân viên.’"

Theo bài đăng dí dỏm thu hút hàng trăm lượt “like” này, một chú mèo lông xám khoang trắng tên là Datou ("đầu to") đã nhận được năm hộp thức ăn cho mèo "tiền lương sau thuế."

“Cần tuyển nhân viên mèo!” - một chủ quán càphê khác viết trong bài đăng trên Xiaohongshu. Bài đăng nhận được hơn 100 lượt thích và 600 bình luận.

"Chúng tôi đang tìm kiếm những chú mèo khỏe mạnh, ‘tính tình tốt’" - chủ quán này cho biết. "Chúng tôi cung cấp một bữa ăn nhẹ mỗi ngày và giảm giá 30% cho bạn bè của chủ thú cưng!"

Còn với Xue, cô cho biết mình tình cờ thấy một số bài đăng về quán càphê chó trên Xiaohongshu và nghĩ rằng sẽ rất vui nếu gửi OK đến “nơi làm việc.”

Cô sớm tìm thấy một quán ở Phúc Châu có tên là Yezonghui và nhắn tin cho chủ quán. Tiếp đó là công đoạn chải lông cho OK để “chuẩn bị cho buổi phỏng vấn xin việc.”

"Chủ quán đã theo dõi OK trong khoảng một giờ để xem liệu OK có tương tác tốt với khách hàng và ‘hòa thuận’ với bốn chú chó khác hay không" - Xue nói. Mọi việc đã diễn ra tốt đẹp: Chú chó Samoyed trắng xinh đẹp đã được nhận “công việc.”

“OK của tôi chính là ngôi sao của quán!” - Xue nói.

“Ứng viên” kém may mắn

Một số “ứng viên” không may mắn như OK khi “tìm việc.”

Xin Xin, một giáo viên người Trung Quốc 33 tuổi tại một trường tiểu học quốc tế ở Bắc Kinh, có hai chú mèo - một đen trắng và một cam - và một chú chó Shiba Inu.

Cô đang tìm việc làm cho chú mèo tuxedo 2 tuổi của mình, Zhang Bu'er (nghĩa là "không ngu" trong tiếng Trung.)

 "Ứng viên" Zhang Bu'er vẫn chưa "tìm được việc." (Nguồn: CNN)

"Ứng viên" Zhang Bu'er vẫn chưa "tìm được việc." (Nguồn: CNN)

Xin đã đăng “CV” của Zhang Bu'er lên Xiaohongshu vào ngày 8/9 với hy vọng tìm được việc cho chú mèo tại một quán càphê, nhưng vẫn chưa gặp may.

“Nó quấn người và giỏi kêu gừ gừ! Một chú mèo được sinh ra để làm việc tại quán!” - Xin viết trên sơ yếu lý lịch của Zhang Bu'er. Cô cho biết chỉ mong đợi ‘tiền lương” là một số hộp thức ăn cho mèo.

“Tôi nghĩ rằng chủ quán sẽ liên lạc với tôi, nhưng giờ có vẻ như tôi phải tiếp tục ‘rải hồ sơ xin việc’ cho Zhang Bu'er” - cô than thở.

Xin cho biết Zhang Bu'er ngủ cả ngày rồi “nghịch ngợm” vào ban đêm, gây “náo loạn” giấc ngủ của hai vợ chồng cô. Điều khiến Xin “mệt mỏi” hơn là chú mèo luôn nằm cuộc trên laptop của cô trong lúc cô phải làm thêm giờ.

Cô nói đùa: "Nó chỉ nằm dài xung quanh, nhìn tôi cắm mặt vào làm việc như một con ngựa thồ. Chúng tôi muốn Zhang Bu'er đi làm, biết thế nào là lao động chân tay và tự kiếm thức ăn cho mình.”

Xin cho biết cô chi khoảng 500 nhân dân tệ (71 USD) mỗi tháng để nuôi hai chú mèo của mình.

"Tôi nghĩ Zhang Bu'er quá buồn chán vào ban ngày. Một công việc sẽ giúp nó ‘đốt bớt calo’” - cô nói.

Quán càphê mèo đầu tiên của Trung Quốc được mở tại thành phố Quảng Châu ở miền Nam vào năm 2011. Theo CBNData, số lượng các quán tương tự đã tăng 200% mỗi năm tại nước này.

Tính đến năm ngoái, có hơn 4.000 công ty kinh doanh quán càphê mèo trên khắp Trung Quốc./.

Trên đây là nội dung một bài viết đăng tải trên trang CNN vào ngày 14/10/2024.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thu-cung-di-lam-tai-quan-caphe-o-trung-quoc-de-kiem-tien-an-vat-post986213.vnp
Zalo